Nguồn cung thực phẩm toàn cầu bị đe dọa vì suy giảm đa dạng sinh học

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 18:00, 22/02/2019

Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cảnh báo rằng xu hướng suy giảm đa dạng sinh học hiện nay có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm toàn cầu trong thời gian tới.
Nông nghiệp cơ giới hóa, độc canh khiến nguồn cung thực phẩm toàn cầu dễ bị tổn thương hơn - Ảnh: The Guardian

Theo nghiên cứu đầu tiên của LHQ về vấn đề đa dạng sinh học cho thấy thực vật, động vật và vi sinh vật giúp chúng ta đảm bảo nguồn cung lương thực đang mất đi nhanh chóng và khả năng sản xuất thực phẩm của thế giới đang bị hủy hoại .

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ đã đưa ra lời cảnh báo trên sau khi các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng các hệ thống hỗ trợ tự nhiên làm nền tảng cho chế độ ăn uống của con người đang xấu đi trên khắp thế giới khi các trang trại, thành phố và nhà máy làm ô nhiễm đất đai với hóa chất công nghiệp.

Trong 20 năm qua, khoảng 20% thực vật trên Trái đất trở nên kém năng suất hơn, theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) được công bố ngày 22.2.

Báo cáo này ghi nhận sự mất mát về sự đa dạng sinh học đất, rừng, đồng cỏ, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và sự đa dạng di truyền ở các loài cây trồng và vật nuôi. Ngoài ra, trong các đại dương, một phần ba các khu vực đánh cá đang được khai thác quá mức.

Nhiều loài liên quan đến ngành sản xuất thực phẩm như chim ăn sâu gây hại, rừng ngập mặn giúp làm sạch nước đang suy giảm nghiêm trọng, theo báo cáo của FAO được thu thập từ các dữ liệu trên toàn cầu và báo cáo của 91 quốc gia.

Cụ thể, 63% thực vật, 11% chim và 5% cá và nấm bị suy giảm. Các côn trùng thụ phấn, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho 3/4 cây trồng trên thế giới, đang bị đe dọa. Đặc biệt nguy hiểm là 17% các loài động vật có xương sống làm nhiệm vụ thụ phấn như dơi và chim, đã bị đe dọa tuyệt chủng.

Một khi bị mất, các loài quan trọng đối với hệ thống thực phẩm của chúng ta không thể được phục hồi, báo cáo của FAO nhận định. Điều này khiến tương lai của nguồn cung thực phẩm và môi trường sinh sống của chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng.

"Cơ sở của các hệ thống thực phẩm của chúng ta đang bị hủy hoại", Gregiano da Silva, Tổng giám đốc FAO tuyên bố.

Theo Guardian, nông nghiệp cơ giới hóa cao độ hiện là nguyên nhân chính gây nên chuyện này do những thay đổi sử dụng đất và thực hành quản lý không bền vững cũng như khai thác quá mức đất và phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các hóa chất nông nghiệp khác.

Ngoài ra, động lực chính cho sự mất đa dạng sinh học là chuyển đổi đất, vì rừng bị chặt phá để làm ruộng và đồng cỏ bị phủ bê tông cho các thành phố, nhà máy và đường. Các nguyên nhân khác gồm khai thác quá mức nguồn nước, ô nhiễm, khai thác quá mức đất nông nghiệp, sự lây lan của các loài xâm lấn và biến đổi khí hậu.

Xu hướng suy giảm đa dạng sinh học còn đến từ việc độc canh của loài người. Dù thế giới đang sản xuất số lượng thực phẩm lớn chưa từng có nhưng chủ yếu dựa vào sự mở rộng không ngừng của độc canh.

Cụ thể, 2/3 sản lượng lương thực đến từ 9 loài (mía, ngô, gạo, lúa mì, khoai tây, đậu nành, quả cọ dầu, củ cải đường và sắn), trong khi 6.000 loài thực vật khác được trồng để làm lương thực đang suy giảm mạnh và nguồn cung thực phẩm hoang dã cũng đang suy kiệt.

Xu thế độc canh này là cực kỳ nguy hiểm, khi chỉ cần một trong 9 loài này bị thiệt hại do dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp toàn cầu. Nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng nông nghiệp cũng cao hơn vì tình trạng độc canh.

"Các siêu thị có đầy đủ thực phẩm, nhưng chủ yếu là hàng nhập khẩu từ các nước khác và không có nhiều loại. Sự phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các loài có nghĩa là chúng dễ bị dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Nó ám chỉ việc sản xuất thực phẩm kém khả năng phục hồi hơn", Julie Bélanger, điều phối viên của báo cáo này cảnh báo.

Ví dụ, báo cáo của FAO ghi nhận việc phụ thuộc độc canh quá mức vào một loài lương thực là yếu tố chính gây ra nạn đói do khoai tây bị dịch bệnh ở Ireland vào những năm 1840, thất mùa vụ ngũ cốc ở Mỹ trong thế kỷ 20 và mất sản lượng khoai môn ở Samoa ở những năm 1990.

Theo bà Bélanger, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần phải thay đổi cách thức sản xuất thực phẩm và đảm bảo rằng đa dạng sinh học không phải là thứ bị gạt sang một bên mà được coi là nguồn tài nguyên không thể thay thế và là một phần quan trọng trong chiến lược quản lý.

Thiên Hà (theo Guardian)