Phát thải khí nhà kính tăng mạnh vì nhiệt điện than ở châu Á

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:06, 27/03/2019

Những nhà máy điện than mới tại châu Á làm tăng khí thải nhà kính toàn cầu, theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng quốc tế(IEA).
Khí thải từ một nhà máy nhiệt điện than - Ảnh: Guardian

Phát thải khí nhà kính từ sản xuất năng lượng tăng mạnh trở lại trong năm ngoái, theo số liệu mới từ IEA, với việc có thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than ở châu Á được xem là nguyên nhân chính.

Theo Guardian, nhu cầu năng lượng tăng với tốc độ nhanh nhất trong thập niên này, với mức tăng 2,3% trên toàn cầu thúc đẩy tăng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Sử dụng than trong các nhà máy điện là 1/3 của sự gia tăng tiêu thụ năng lượng. Khí đốt và than cùng chịu trách nhiệm cho gần 70% tăng trưởng tiêu thụ năng lượng, dù rằng nhu cầu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng tăng lên.

Tiêu thụ khí đốt ở Mỹ tăng vọt 10%, hoặc tương đương với toàn bộ mức tiêu thụ khí đốt của Anh trong một năm. Khai thác dầu đá phiến là một động lực chính, và sản xuất dầu ở Mỹ cũng tăng lên, trong khi việc dỡ bỏ các ưu đãi của chính phủ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục.

Châu Á hiện chịu trách nhiệm cho phần lớn các nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu và tuổi trung bình của các nhà máy điện này chỉ là 12 năm, nghĩa là chúng phải mất hàng thập niên để dừng sản xuất điện theo kế hoạch trong khoảng 30 đến 50 năm.

Hệ thống sưởi và làm mát chiếm 1/5 sự gia tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu khi việc làm mát cần thiết cho nhiều khu vực để đối phó với sự nóng lên toàn cầu là một yếu tố gia tăng trong phát thải khí nhà kính của thế giới, do nhiệt độ ở một số khu vực tăng lên mức kỷ lục do kết quả của biến đổi khí hậu.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết 2018 là năm bùng nổ của khí nhà kính nhằm đáp ứng một nửa mức tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu. Ông Birol thúc giục các chính phủ trên toàn cầu hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

"Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng bất thường về nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2018, tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong thập niên này", ông Birol nói.

"Năm ngoái cũng có thể được coi là một năm hoàng kim cho khí đốt. Nhưng bất chấp sự tăng trưởng lớn về năng lượng tái tạo, khí thải toàn cầu vẫn tăng, chứng minh một lần nữa rằng cần phải có hành động khẩn cấp hơn trên tất cả các mặt trận", Giám đốc điều hành của IEA cho biết thêm.

Ông Birol kêu gọi phát triển nhiều hơn các nguồn năng lượng nhiên liệu không hóa thạch, tăng hành động từ các chính phủ để giảm phát thải khí nhà kính và đầu tư vào việc thu giữ và lưu trữ carbon dioxide, như là cách để giảm tác động của sản xuất năng lượng đối với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các lò phản ứng hạt nhân đã đáp ứng 9% sự gia tăng nhu cầu điện toàn cầu vào năm ngoái, theo phân tích của IEA, khi các nhà máy mới được xây dựng ở Trung Quốc đi vào hoạt động và các cơ sở tại Nhật Bản đã được mở cửa trở lại sau thảm họa Fukushima vào đầu thập niên này.

Ái Vi (theo Guardian)