Bộ GD-ĐT: Đại học dân lập không được đào tạo ngành báo chí
Giáo dục - Ngày đăng : 09:38, 20/03/2021
Lãnh đạo Vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết tại điểm 3 về thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí xuất bản, trong chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17.10.1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về "Tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản" nêu:
"Đào tạo bồi dưỡng báo chí chủ yếu là trong nước, dưới sự thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục".
Lãnh đạo Vụ giáo dục Đại học khẳng định căn cứ vào quy định trên, các trường đại học dân lập, tư thục không được mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản. Bộ GD-ĐT đề nghị các trường thực hiện đúng nội dung nêu trên.
Hiện cả nước có các cơ sở giáo dục ĐH công lập sau được đào tạo báo chí: Học viện Báo chí và tuyên truyền. 2 ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc hai ĐH Quốc gia; ĐH Văn hóa Hà Nội; ĐH Khoa học (ĐH Huế); ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội; ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên); ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng); ĐH Vinh.
Vừa qua, một số ĐH ngoài công lập đã xin mở ngành báo chí, trong đó có ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
Cũng trong ngày 19.3, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, Cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Theo đó, năm 2021 học sinh chỉ được chọn một trong 2 phương thức: Đăng ký trực tiếp trên phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến (tại nơi có đủ điều kiện) theo quy định của sở giáo dục và đào tạo kèm theo lệ phí đăng ký xét tuyển.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ba lần trong thời gian quy định bằng phương thức trực tuyến. Theo quy định hiện nay, các thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần.