Đằng sau việc Mỹ chọc giận cùng lúc với Nga và Trung Quốc: Chỉ là vở kịch
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:33, 20/03/2021
Màn đấu khẩu tính trước và không lường trước
Trong lần đầu đối mặt với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã toan tính đầy mạo hiểm. Nhìn thẳng vào người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc họp tại Alaska, Blinken gọi Bắc Kinh là mối đe dọa đối với “sự ổn định toàn cầu” và cáo buộc những vấn đề về nhân quyền, thương mại, Hồng Kông, Đài Loan và một loạt các vấn đề khác trước rất đông phóng viên và máy quay.
Các nhận xét nhằm thể hiện sự tự tin của chính quyền Biden khi đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc và thể hiện cho điều mà Blinken gọi là “thử nghiệm địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”.
Cuộc họp kéo dài hai ngày, kết thúc vào 19.3, ngay sau khi Tổng thống Biden khẳng định quan điểm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ giết người”, khiến Moscow phản ứng dữ dội.
Chỉ trong hai tháng, chính quyền Biden đã thể hiện sự khao khát mạnh mẽ đáng ngạc nhiên đối với các đối thủ hàng đầu đầy chiêu trò của Mỹ. Những cao trào đầy kịch tính giúp làm rõ hướng đi mới của Washington trong thời kỳ hậu Trump, nhưng cũng tạo ra những kết quả không thể đoán trước và đôi khi hỗn loạn trên sân khấu ngoại giao.
Sau bốn năm ngoại giao theo phong cách thất thường của Tổng thống Donald Trump, nhiều người kỳ vọng Biden sẽ quay trở lại cách tiếp cận truyền thống. Nhưng chính quyền mới đã không né tránh việc hạ bệ những người đứng đầu chính phủ, đảng cầm quyền và xé toạc cuốn sách về chuẩn mực ngoại giao.
Tại Alaska, các quan chức Biden thừa hiểu rằng Trung Quốc sẽ đáp trả một cách giận dữ trước cú ra đòn của Blinken, nhưng họ chắc mẩm rằng việc phản bác sẽ chỉ giới hạn trong hai phút của quan chức Trung Quốc (theo các quy tắc cơ bản mà Washington và Bắc Kinh đã nhất trí).
Trên thực tế, điều đó đã không xảy ra.
Thay vì đưa ra một lời đáp lễ phải phép, Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ chính trị, phụ trách đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc đã phản pháo Blinken bằng bài phát biểu kéo dài 17 phút chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ và những can thiệp quân sự thất bại trong 20 năm qua - lật lại lời buộc tội Mỹ liên quan đến các quốc gia đang chịu bất ổn sau can thiệp của Mỹ.
“Chúng tôi không tin vào việc xâm lược thông qua sử dụng vũ lực, hoặc lật đổ các chế độ khác bằng nhiều cách khác nhau, hoặc tàn sát người dân của các quốc gia khác, bởi vì tất cả những điều đó sẽ chỉ gây ra hỗn loạn và bất ổn trên thế giới này”, ông Dương nói.
Khi ông Dương nghiêng về các khía cạnh khác nhau trong nội trị của nước Mỹ, gồm cả việc đối xử với người Mỹ da đen, các quy tắc cơ bản được thương lượng cẩn thận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã biến mất. Từ đó dẫn đến sự đáp trả qua lại kéo dài giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc và cả hai bên sau đó đã khiến không khí hội nghị rẽ sang hướng khác vì giao thức ngoại giao bị phá vỡ.
Danny Russel, phó chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, người từng là nhà ngoại giao cấp cao trong chính quyền Obama, cho biết: “Màn trình diễn trước công chúng đầy nguy hiểm này chắc chắn là vô ích trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập một động lực tích cực hơn”.
“Mục tiêu của cuộc họp ở Anchorage (thủ phủ bang Alaska) là để giao tiếp. Nhưng thay vào đó, thực tế là họ tham gia vào một trận đấu khẩu trên sân khấu ngoại giao,” ông nói thêm. "Nhưng đấu khẩu là một thứ nghệ thuật mà người Trung Quốc vượt trội".
Dù có bất kỳ thất bại nào xảy ra, nhưng Blinken ngay lập tức nhận được lời khen ngợi từ cấp trên ở Nhà trắng khi trở về Washington.
"Tôi rất tự hào về ngoại trưởng", Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi về phản ứng của ông trong ngày hội đàm đầu tiên.
Tương tự, Biden cũng phớt lờ những lời chỉ trích từ Nga dù Moscow tạm thời triệu hồi đại sứ Anatoly Antonov về nước, vụ triệu hồi đầu tiên trong hơn 20 năm qua. Hôm thứ năm 18.3, Putin nói rằng bằng cách gọi ông ta là kẻ giết người, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ bồi thường cho việc Mỹ giết người da đỏ và nô lệ da đen.
Đấu khẩu nhưng tích cực tìm hợp tác
Khiêu khích ngoại giao đồng thời với Nga và Trung Quốc đặt ra câu hỏi về việc liệu Biden sẽ tìm cách tạo dựng mối quan hệ hữu ích với họ, hay liệu trạng thái đối đầu và xung đột có trở thành bình thường mới hay không.
Chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả hai nước để đáp lại việc Moscow bị cáo buộc đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny và việc Bắc Kinh bị cáo buộc đàn áp đối với các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông.
Tại Nga, phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov, cho biết, “Rõ ràng là (Biden) không muốn bình thường hóa quan hệ với đất nước chúng tôi”.
Trong các bình luận công khai, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng thời của một tổng thống Mỹ nói những lời tâng bốc về Putin (ám chỉ Donald Trump) đã qua và rằng chính quyền sẽ tìm cách đẩy lùi sự xâm lược của Nga ở bất cứ nơi nào. Đồng thời, các trợ lý của Biden đã nhanh chóng đàm phán việc gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân START mới với Nga ngay từ ngày đầu của chính quyền Biden, cho thấy rằng một số nỗ lực hợp tác sẽ tiếp tục.
Về phía Trung Quốc, chính quyền Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hợp tác và đối đầu, đồng thời tỏ ra nhạy cảm với ý kiến cho rằng việc phát ngôn hôm thứ 17.3 có thể ngăn cản tiến bộ đáng kể. Một quan chức chính quyền cấp cao nói rằng đằng sau cánh cửa đóng kín, hai bên “ngay lập tức bắt tay vào công việc” sau khi công khai tranh luận và tham gia vào các cuộc thảo luận “thực chất, nghiêm túc và trực tiếp”.
“Trên thực tế, cuộc thảo luận hơn hai giờ đã diễn ra tốt đẹp”, một quan chức giấu tên lên tiếng. Blinken đến Alaska sau khi thăm các đồng minh hiệp ước của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tiến hành các cuộc gặp 2+2. Hai người đã tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đối tác an ninh quan trọng của mình.
Hôm thứ 19.3, khi Blinken xuất hiện sau cuộc gặp lần thứ ba với các đối tác Trung Quốc, ông lưu ý rằng Trung Quốc đã kiên quyết chống lại những chỉ trích của Mỹ về các chính sách của họ ở Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương cũng như đối với Đài Loan.
“Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi nêu ra những vấn đề đó. . . chúng tôi đã nhận được phản ứng đáp trả”. Tuy nhiên, về các vấn đề không liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc, Blinken cho biết hai bên “có thể trò chuyện rất thẳng thắn”, bao gồm cả về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi muốn chia sẻ với họ những lo ngại quan trọng về một số hành động mà Trung Quốc đã thực hiện... và chúng tôi đã làm điều đó”, Blinken nói. “Chúng tôi cũng muốn vạch ra rất rõ ràng các chính sách, ưu tiên và thế giới quan của riêng mình. Và chúng tôi cũng đã làm được điều đó”.