Từng dẫn đầu thế giới, Nhật giờ phải nhờ nhà vô địch Đài Loan hồi sinh lĩnh vực sản xuất chip

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:41, 21/03/2021

Sản xuất chip suy giảm khiến Nhật Bản phải gạt bỏ niềm tự hào từng là nhà vô địch, xuống nước nhờ TSMC.
trung-dung-dau-the-gioi-nhat-phai-nho-nha-vo-dich-dai-loan-hoi-sinh-linh-vuc-san-xuat-chip.jpg
TSMC là thế lực thống trị trong ngành công nghiệp chip với sự tách biệt về thiết kế từ khâu sản xuất, được Mỹ, Nhật và EU mời chào

Tháng trước, khi TSMC (Đài Loan) công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển cách Thủ đô Tokyo 50 km về phía đông bắc, các công ty trong các ngành liên quan đến chip đã rất phấn khích trước viễn cảnh nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ đến Nhật Bản.

Thế nhưng, việc thuyết phục TSMC đến Nhật Bản không hề dễ dàng và quá trình đầy khó khăn này chỉ làm nổi bật hoàn cảnh của các nhà sản xuất chip nước này.

Nỗ lực của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản được thực hiện vào mùa hè năm 2019, khi cuộc xung đột về hoạt động kinh doanh bộ nhớ của Toshiba bắt đầu lắng xuống và sự suy giảm ngành công nghiệp sản xuất chip hùng mạnh một thời ở Nhật Bản đã được xoa dịu.

NEC, Toshiba và Hitachi dẫn đầu thế giới lĩnh vực sản xuất chip trong những năm 1980 và 1990, song điều này bắt đầu thay đổi vào những năm 2000 khi thiết kế chip trở nên tách rời khỏi sản xuất, dẫn đến sự nổi lên của các xưởng đúc như TSMC.

Các công ty chip lớn như Qualcomm đã đổ nguồn lực vào phát triển trong khi thuê sản xuất ngoài và các công ty Nhật Bản, gồm cả Renesas Electronics, cũng đi theo xu hướng này. Số lượng cơ sở sản xuất chip ở Nhật Bản đã giảm xuống còn 9 so với 22 của một thập kỷ trước. Sự thay đổi đi kèm với một cái giá phải trả. Bên cạnh các cơ sở sản xuất chip, Nhật Bản cũng đánh mất lợi thế về công nghệ sản xuất với các xưởng đúc tạo ra các sản phẩm tiên tiến nhất.

Một khi sự sụt giảm bắt đầu, việc đảo ngược là rất khó. Mối lo ngại tăng lên rằng Nhật Bản sẽ phải vật lộn để duy trì khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như thiết bị và vật liệu sản xuất chip. Với ngành công nghiệp bán dẫn trong nước giờ đây chỉ còn là cái bóng của sự vĩ đại trước đây, Chính phủ Nhật không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nuốt chửng niềm tự hào của mình và mang về một nhà sản xuất chip lớn ở nước ngoài.

Bộ công nghiệp Nhật Bản đã liên hệ với TSMC và các tên tuổi lớn khác,  gồm cả Intel.

Nhật Bản đã đặt mục tiêu vào một nhà máy được gọi là quy trình thượng nguồn liên quan đến việc tạo mạch trên tấm silicon, kế hoạch đầy tham vọng nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho các nhà cung cấp nước này.

Kế hoạch không bao giờ thành hiện thực. Phía Nhật Bản đặt nhiều hy vọng vào TSMC, nhưng công ty Đài Loan đã quyết định vào tháng 5 năm ngoái sẽ xây dựng một cơ sở chế tạo chip ở bang Arizona, Mỹ.

Mỹ đã thu hút TSMC một cách mạnh mẽ khi chất bán dẫn bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump khi đó với Trung Quốc.

Chúng tôi sẽ phải từ chối lần này”, TSMC nói với phía Nhật. Bộ công nghiệp Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận quyết định này.

tung-dung-dau-the-gioi-nhat-phai-nho-nha-vo-dich-dai-loan-hoi-sinh-linh-vuc-san-xuat-chip-1.jpg
Chính phủ Nhật Bản đã cố gắng thu hút một cơ sở sản xuất các bộ phận thượng nguồn của chip nhưng hy vọng này đã tan thành mây khói

Song, Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn. Ông Hirohide Hirai, người được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cục Chính sách Thương mại và Thông tin của Bộ Kinh tế Nhật Bản vào tháng 7.2020, đã cố gắng đưa TSMC trở lại bàn đàm phán.

Nhật Bản sẽ chấp nhận một nhà máy cho các quá trình hạ nguồn như lắp ráp, đóng gói, hoặc một trung tâm nghiên cứu và phát triển để khởi đầu lại, ông Hirohide Hirai nói.

Việc có mặt tại Nhật Bản, với tất cả các nhà cung cấp nguyên vật liệu và thiết bị sản xuất chip, sẽ không phải là không có lợi cho TSMC do yêu cầu của xưởng đúc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

Trong cuộc họp trực tuyến cuối năm ngoái với ông Hirohide Hirai và các quan chức khác, đội ngũ quản lý TSMC đã cam kết sớm đạt được một thỏa thuận "trong phạm vi hoạt động kinh doanh của mình".

Cuối cùng, TSMC đã chọn giải pháp xây dựng một địa điểm nghiên cứu và phát triển chip thay vì nhà máy. 18,6 tỉ yên (171 triệu USD) được đầu tư vào dự án này khác xa so với 3,5 tỉ USD được TSMC chi cho nhà máy ở Mỹ.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật - Hiroshi Kajiyama vẫn đặt hy vọng lớn về động thái này. Ông Hiroshi Kajiyama nói: “Chúng tôi muốn xây dựng lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Nhật Bản”.

Ngay cả khi Nhật gạt bỏ niềm tự hào từng là nhà vô địch sản xuất chip hàng đầu và chào đón TSMC, Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu thu hút công ty Đài Loan này mở rộng thị trường.

Nhật Bản sẽ phải đối mặt sự cạnh tranh đặc biệt gay gắt từ Mỹ, nơi sản xuất chip dường như đang đi xuống theo con đường tương tự Nhật.

Intel nói riêng và Mỹ nói chung từng đánh giá thấp TSMC lẫn ASML (Hà Lan), cho phép cả hai vượt lên về năng lực kỹ thuật trong vài năm qua, theo một lãnh đạo nhà làm thiết bị sản xuất chip Nhật Bản từ lâu đã kinh doanh với hai công ty đó.

"Đó là cấp độ mà Intel không thể bắt kịp", người này cho biết.

Đài Loan, Hàn Quốc hiện dẫn trước Mỹ về sản xuất chất bán dẫn hiện đại. Điều này khiến Mỹ phụ thuộc vào các nguồn nước ngoài để cung cấp các đầu vào quan trọng cho các hệ thống quốc phòng và rộng hơn là ngành công nghiệp”, một Ủy ban Quốc hội do cựu Giám đốc điều hành Google - Eric Schmidt chủ trì đã cảnh báo trong tháng này.

Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu Nhật có thể hồi sinh của ngành sản xuất chip như kỳ vọng hay không.

Nhân Hoàng