Vùng trời Cuba rung chuyển vì thiên thạch rơi
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:14, 21/03/2021
Trạm địa chấn Moa tối hôm 20.3 (giờ địa phương) đã ghi nhận "một số hiện tượng phát sáng" bất thường. Nhiều người dân trong khu vực báo cáo nhìn thấy ánh sáng màu đỏ và trắng trước khi nghe thấy tiếng nổ.
"Một quả cầu ánh sáng trên bầu trời làm bừng sáng mọi thứ, khoảng hai hoặc ba phút sau, hai tiếng nổ liên tiếp vang lên", Hilario Quintana Charlot, một nhân chứng tại thị trấn Jamaica gần đó, tiết lộ.
Luis Daniel Cano, một người khác sống tại Santiago de Cuba, cho biết đã nhìn thấy một tia sáng xoẹt qua trên bầu trời, sau đó là tia chớp giống như sét đánh cực mạnh. Nhiều người khác cũng đã chụp ảnh và đăng lên mạng.
Giám đốc Cơ quan Địa chấn Quốc gia Cuba Enrique Arango Arias sau đó đã xác nhận hiện tượng này do một thiên thạch gây ra.
"Kết quả đo cảm biến cho thấy đây không phải một vụ nổ trên cạn, nhưng thiết bị của chúng tôi đã ghi lại được sóng xung kích", Sputnik dẫn lời ông Aras.
Theo người đứng đầu cơ quan địa chấn Cuba, ngoài trạm Moa, hai thị trấn lân cận là Sagua de Tanamo và Maisi cũng đã báo cáo về hiện tượng này.
Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, chuyên gia của Viện Khí tượng Cuba, Elier Pila Farinas đã giải thích ánh sáng trên được cho là một vụ sét đánh, dù không có hoạt động thời tiết bất thường nào tại khu vực.
Được biết, Cuba rộng khoảng 110.000 km2, bao quanh là nước. Rất hiếm khi ghi nhận các vụ thiên thạch va chạm ở quốc đảo vùng Caribe này. Trong hơn 80 năm qua, Cuba chỉ ghi nhận chưa tới 10 vụ. Vụ va chạm kỳ lạ nhất xảy ra ban ngày hồi tháng 6.1994, khi một thiên thạch nặng 400 g rơi xuống thị trấn Lajas, miền trung Cuba.
Vụ rơi thiên thạch gần nhất vào ngày 1.2.2019 khi một thiên thạch đã làm rung chuyển bầu trời phía tây Cuba, nổ tung giữa không trung, bắn ra các mảnh thiên thạch rơi xuống nhà dân, làm vỡ tung các cửa sổ.
Các hệ thống radar khí quyển đã ghi lại được khoảnh khắc thiên thạch rơi xuống phía tây Cuba. Trong đó, Viện nghiên cứu hợp tác về môi trường khí quyển của Đại học bang Colorado, Mỹ, đã ghi lại được khoảnh khắc vụ nổ xảy ra.
Trước khi phát nổ trên không ở Cuba, thiên thạch đã được phát hiện bay trên bầu trời Florida, Mỹ. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ ở Key West cho hay, thiên thạch có thể được quan sát thấy ở Florida Keys.
Mỗi năm, khoảng 6.100 thiên thạch rơi xuống Trái Đất, tương đương 17 vụ va chạm mỗi ngày, theo ước tính của các nhà khoa học. Phần lớn các vụ va chạm không bị phát hiện, rơi ở các khu vực không có người ở hoặc đại dương, và hầu hết đều có chấn động không đáng kể vào thời điểm chúng chạm đến mặt đất. Các thiên thạch đã mang lại cho các nhà thiên văn những manh mối quan trọng về sự sống trên các hành tinh khác, sự hình thành của hệ mặt trời và thậm chí là nguồn gốc của vũ trụ.