Vắc xin COVID-19 AstraZeneca: Kháng thể là nguyên nhân gây đông máu?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:13, 21/03/2021

Để giải thích cho hiện tượng đông máu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của hãng AstraZeneca, giới khoa học đang xem xét một số khả năng.

Hầu hết trường hợp bị đông máu là phụ nữ ở châu Âu, có 2 trường hợp ghi nhận tại Ấn Độ.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu sau đánh giá sơ bộ kết luận vắc xin của AstraZeneca không liên quan đến hiện tượng đông máu sau tiêm chủng, nhưng không loại trừ liên quan giữ vắc xin với các ca bệnh huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST).

Nhóm nhà khoa học tại Đức và Na Uy tuần qua nêu giả thuyết vắc xin của AstraZeneca kích hoạt phản ứng miễn dịch, tạo ra kháng thể bất thường dẫn đến hình thành cục máu đông.

Giáo sư Paal Andre Holme thuộc bệnh viện Đại học Oslo (Na Uy) - nơi điều trị 3 nhân viên y tế bị đông máu nghiêm trọng sau tiêm - hôm 18.3 thông báo khám phá mới có thể giải thích tiến triển lâm sàng ở bệnh nhân. Tuy vậy, vị giáo sư này không công bố dữ liệu hỗ trợ cho giả thuyết mà khuyến cáo đây chỉ là phát hiện ban đầu.

Đội ngũ Trung tâm y tế Đại học Greifswald (Đức) cũng có kết luận tương tự. Nếu được chứng minh là đúng, giả thuyết sẽ giúp tìm ra cách điều trị.

EMA tiếp tục tiến hành điều tra nhằm xác định xem các ca đông máu hiếm gặp có liên quan vắc xin không hay chỉ do tình cờ. Hiện tượng xuất hiện nhiều ở phụ nữ trẻ tuổi.

CVST rất hiếm gặp, thường liên quan đến việc mang thai và sử dụng thuốc tránh thai. EMA cũng sẽ làm rõ trường hợp bị biến chứng từng nhiễm COVID-19 trước hoặc tại thời điểm tiêm vắc xin, vì vi rút gây bệnh cũng có thể làm đông máu.

gettyimages-1305084523.jpg
Vắc xin AstraZeneca được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 70 quốc gia - Ảnh: Getty Images

Chuyên gia Mỹ thận trọng hơn với giả thuyết chính kháng thể gây đông máu. Vắc xin của AstraZeneca được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 70 quốc gia nhưng vẫn chưa được chấp thuận tại Mỹ.

Phía Mỹ đặt câu hỏi tại sao hiện tượng đông máu chỉ xảy ra ở người tiêm vắc xin của AstraZeneca, trong khi tiêm vắc xin của Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson hay Sputnik V lại chẳng hề hấn gì mặc dù tất cả đều được điều chế để tạo kháng thể nhắm vào tế bào gai vi rút gây COVID-19.

Vắc xin của AstraZeneca – giống như sản phẩm Johnson & Johnson và Sputnik V - sử dụng một loạt vi rút cảm thông thường đưa vật liệu di truyền của vi rút gây COVID-19 vào cơ thể người.

“Chúng tôi phải chờ các nhà khoa học Đức, Na Uy đăng tải báo cáo nghiên cứu đã bình duyệt, lúc đó cộng đồng khoa học mới có thể đánh giá”, chuyên gia Peter Hotez thuộc đại học Y Baylor (Mỹ) cho biết.

Cẩm Bình