AstraZeneca phản bác lo ngại của triệu người Hồi giáo Indonesia về thành phần thịt heo trong vắc xin
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:40, 21/03/2021
Indonesia là quốc gia có nhiều người Hồi giáo nhất thế giới.
Hội đồng giáo sĩ Hồi giáo cấp cao nhất Indonesia (Indonesian Ulema Council) cho biết trên trang web của mình hôm 19.3 rằng vắc xin AstraZeneca là "haram" vì quá trình sản xuất sử dụng "trypsin từ tuyến tụy của thịt heo". Dù vậy, Indonesian Ulema Council đã phê duyệt vắc xin AstraZeneca để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vì đại dịch COVID-19.
Haram là hành động bị Thánh Allah cấm làm như ăn thịt heo, uống rượu, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, cờ bạc, trộm cắp… sẽ dẫn đến hình phạt vào ngày sau.
Trypsin là một loại enzyme tiêu hóa quan trọng, được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của rất nhiều loài động vật có xương sống, cũng là nơi thực hiện vai trò thủy phân protein.
Trước thông tin trên, phát ngôn viên của AstraZeneca Indonesia, Rizman Abudaeri cho biết: “Ở tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất, vắc xin vectơ vi rút này không sử dụng cũng như không tiếp xúc với các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo hoặc các sản phẩm động vật khác”.
Indonesian Ulema Council cùng Cơ quan thực phẩm và dược phẩm nước này không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Các nhà chức trách Indonesia 19.3 đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin AstraZeneca sau khi xem xét kỹ các báo cáo rằng nó có thể gây ra cục máu đông ở một số người tiêm ở châu Âu.
Indonesia đang vật lộn với một trong những đợt bùng phát coronavirus tồi tệ nhất ở châu Á với 1.455.788 ca mắc và 39.447 trường hợp tử vong tính đến 20.3.
Ngoài Indonesia, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp hôm 19.3 đã bắt đầu thúc đẩy tiêm AstraZeneca trở lại sau cuộc điều tra của Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) về khoảng 30 trường hợp đông máu não hiếm gặp trong số 20 triệu người được tiêm vắc xin này ở Anh và EU.
EMA đã đưa ra kết luận rõ ràng rằng lợi ích của vắc xin trong việc bảo vệ mọi người khỏi tử vong hoặc nhập viện liên quan đến coronavirus lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, EMA cùng Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) cho biết mối liên hệ giữa các trường hợp đông máu não hiếm gặp với tiêm vắc xin không thể loại trừ dứt điểm và sẽ tiếp tục giám sát.
“Đây là một loại vắc xin an toàn và hiệu quả. Nếu là tôi, tôi sẽ tiêm vào ngày mai”, Giám đốc EMA - Emer Cooke nói trong một cuộc họp báo hôm 17.3.
WHO trở thành cơ quan y tế công cộng mới nhất xác nhận việc nên tiêm chủng, cho biết rằng dữ liệu hiện có không chỉ ra bất kỳ sự gia tăng tổng thể nào về tình trạng đông máu. WHO nói sẽ tiếp tục theo dõi bất kỳ tác dụng phụ nào.
Điều này được đưa ra sau khi ủy ban cố vấn vắc xin của WHO xem xét.
Hôm 6.12.2020, Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia đã nhận lô hàng vắc xin COVID-19 đầu tiên từ Trung Quốc khi chính phủ nước này chuẩn bị triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt.
Ông Joko Widodo cho biết trong cuộc họp trực tuyến rằng Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 mang tên CoronaVac từ Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc. Đây là loại vắc xin mà Indonesia đã thử nghiệm từ tháng 8.2020.
Ngày 13.1.2021, Tổng thống Joko Widodo đã được tiêm CoronaVac sau khi Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin này, đồng thời bắt đầu chiến dịch tiêm phòng cho hàng triệu người dân.
Trong khi ở các nước, việc tiêm vắc xin là tự nguyện, Indonesia cho phép các chính quyền địa phương phạt những người không chịu tiêm trong bối cảnh nước này đang tìm cách đẩy nhanh việc chủng ngừa COVID-19.
Theo quy định mới được sửa đổi, những người thuộc diện cần phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng từ chối sẽ bị phạt. Mức phạt sẽ tùy quyết định của các chính quyền địa phương.
Ngoài bị phạt, những người không tiêm vắc xin COVID-19 còn bị loại khỏi một số chương trình công, điều có thể ảnh hưởng đến những người nghèo nhận phúc lợi xã hội.