Có nên triển khai 'hộ chiếu vắc xin' ở Việt Nam?
Sự kiện - Ngày đăng : 22:00, 21/03/2021
"Hộ chiếu vắc xin" về cơ bản có thể được hiểu là những giấy tờ chứng nhận y tế, cung cấp bằng chứng về một người nào đó đã được tiêm vắc xin COVID-19 hay xét nghiệm COVID-19. Nói cách khác, đây chính là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm vắc xin COVID-19. Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.
Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp trên thế giới, "hộ chiếu vắc xin" được xem là công cụ quan trọng và hữu hiệu để đối phó với đại dịch trong tương lai.
Hiện một số nước đã tự tạo ra các hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số, như Ba Lan hiện cho phép du khách có hộ chiếu vắc xin nhập cảnh mà không bị hạn chế đi lại; Đan Mạch đang phát triển hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số để công dân có thể chứng minh mình đã được tiêm vắc xin; Tây Ban Nha, Hy Lạp, Cộng hòa Síp, Bồ Đào Nha hỗ trợ du khách có hộ chiếu vắc xin được đi lại trong nước...
Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo thận trọng với các loại hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách và nhà điều hành du lịch không coi bằng chứng về việc tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế.
Tại Việt Nam, các bộ ngành, nhà mạng di động lớn cho biết hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan đến "hộ chiếu vắc xin" với người nước ngoài đang được hoàn thiện và sẵn sàng triển khai từ tháng 4 tới. Việc triển khai hộ chiếu được đặt ra trong bối cảnh các bộ ngành cũng đang nghiên cứu để mở cửa trở lại với thị trường hàng không và du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất của "hộ chiếu vắc xin" chính là cơ sở pháp lý và công nghệ. Cơ sở pháp lý chính là giấy tờ, thủ tục... từ nước ngoài cấp và từ phía Việt Nam cấp. Còn công nghệ chính là làm sao để "tờ hộ chiếu" này có thể kết nối giữa các nước, nghĩa là nhiều quốc gia có thể truy cập cơ sở dữ liệu để kiểm tra, xác nhận thông tin của một người nào đó, ví dụ như sân bay, khách sạn, nhà hàng...
Về vấn đề này, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ ngành đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với những trở ngại về cơ sở pháp lý và công nghệ khi đưa "hộ chiếu vắc xin" vào thực tiễn.
Trong khi đó, TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhìn nhận "hộ chiếu vắc xin" tại Việt Nam chỉ có hiệu quả khi đảm bảo được ít nhất hai yếu tố chính: Thứ nhất là khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu, giảm tối đa rủi ro. Thứ hai là hệ thống xét nghiệm của Việt Nam với các nước phải đồng bộ, đảm bảo không để lọt dịch qua đường du lịch, nhập cảnh.
Kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới cho thấy "hộ chiếu vắc xin" chỉ đạt hiệu quả khi quốc gia đó đã đáp ứng tiêu chí nhất định về miễn dịch, giải quyết được vấn đề hiệu quả của vắc xin trước những biến thể của coronavirus, đảm bảo thông tin cá nhân và cơ sở pháp lý...
Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn, e ngại rằng liệu có nên triển khai "hộ chiếu vắc xin" để mở cửa đón du khách.