Nga theo Trung Quốc chống các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU, tố Biden tạo liên minh giống Chiến tranh Lạnh

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:00, 23/03/2021

Trung Quốc và Nga cáo buộc Mỹ tạo ra liên minh giống Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc và Nga hôm 23.3 cáo buộc Mỹ tạo ra một liên minh giống như Chiến tranh Lạnh. Cả hai nước chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây gắn liền với nhân quyền, coi đó là can thiệp chính trị vào công việc nội bộ của họ.

Trong buổi họp báo sau cuộc họp song phương ở Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga - Sergey Lavrov cho biết cả Moscow và Bắc Kinh đều coi chính sách đối ngoại đa phương của Tổng thống Joe Biden là phương hại đến trật tự thế giới hiện có.

Ông Sergey Lavrov nói: “Chúng tôi ghi nhận bản chất ý định phá hoại của Mỹ nhằm làm suy yếu cấu trúc luật pháp quốc tế, lấy Liên Hợp Quốc làm trung tâm dựa trên các liên minh quân sự-chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và tạo ra các liên minh khép kín mới theo cùng một mạch máu”.

Ngoại trưởng Vương Nghị mời ông Sergey Lavrov đến Trung Quốc sau cuộc họp nảy lửa với các quan chức hàng đầu Mỹ ở Alaska vào tuần trước. Động thái này cũng diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin gặp gỡ những người đồng cấp ở Nhật Bản và Hàn Quốc (cả hai đều là đồng minh của Mỹ) cùng các đối tác châu Âu tại Brussels.

Trong một tuyên bố chung, Trung Quốc và Nga bảo vệ quyền lựa chọn con đường phát triển của riêng mình.

"Tất cả các quốc gia cần kiên quyết duy trì hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc là cốt lõi của nó và một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế", trích thông báo viết bằng tiếng Trung.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada hôm 23.3 áp đặt các biện pháp trừng phạt với các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên do phương Tây dẫn đầu nhằm vào Trung Quốc dưới thời chính quyền Biden.

Trung Quốc đã trả đũa bằng cách trừng phạt 10 cá nhân và 4 tổ chức trong EU.

trung-quoc-giat-day-de-nga-chong-lai-cac-len-trung-phat-tu-my-va-eu.jpg
Ngoại trưởng Nga - Sergey Lavrov (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc hôm 22.3

Ông Vương Nghị nói với các phóng viên rằng không ai có thể can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc thông qua những "lời nói dối bịa đặt" và thao túng một số cường quốc phương Tây không đại diện cho cộng đồng quốc tế.

Ông Sergey Lavrov nói: “Chúng tôi bác bỏ các trò chơi địa chính trị có tổng bằng không và bác bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đơn phương mà các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi áp dụng ngày càng nhiều hơn”.

Các nhà phân tích không mong đợi sự gián đoạn trong quan hệ thương mại bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt, trừ khi các hành động tiếp theo được thực hiện chống lại Trung Quốc.

"Rủi ro lớn nhất với các công ty đa quốc gia sẽ là liệu Mỹ có thuyết phục được các đồng minh của mình áp dụng các biện pháp trừng phạt phản ánh các lệnh cấm nhập khẩu và đầu tư mà Donald Trump áp đặt với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Biden từ đó vẫn duy trì. Có vẻ như có nhiều mong muốn một cách tiếp cận phối hợp chung giữa các chính phủ phương Tây, nên chúng ta không nên loại trừ khả năng đó", Nick Marro của The Economist Intelligence Unit (cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist) cho biết.

Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng việc Mỹ gây hấn với Trung Quốc và Nga đã đẩy hai nước này xích lại gần nhau hơn.

"Cuộc gặp giữa Vương Nghị và Sergey Lavrov ngay sau cuộc hội đàm ở Alaska nói lên mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa hai nước. Dù hai nước chưa có liên minh chính thức nhưng Trung Quốc và Nga quyết tâm tăng cường hợp tác trên toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị và quân sự, nhiều hoạt động trong số đó sẽ nhằm chống lại sức ép của Mỹ", ông Ian Storey nói.

Nhân Hoàng