Ngôi nhà tháp có kiến trúc độc nhất vô nhị ở Sóc Trăng
Văn hóa - Ngày đăng : 11:06, 24/03/2021
Ông Mai Huyên (SN 1933, ở ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ, H.Mỹ Tú) - chủ nhân của ngôi nhà tháp có kiến trúc độc nhất vô nhị ở Sóc Trăng, sinh ra trong một gia đình nông dân Khơme. Từ nhỏ ông được gia đình đưa vào chùa tu và học chữ Khơme trong chùa. Khi trưởng thành, ông qua Campuchia và tình cờ mua được quyển sách viết về kinh Phật. Ông mang về đọc và tìm được cảm hứng, thu hút qua các câu chuyện kể. Từ đó mỗi khi có dịp, ông mua và sưu tầm các loại kinh Phật mang về.
Ban đầu khi đọc tuy không hiểu lắm về các nội dung viết trong quyển kinh ấy, nhưng với tấm lòng hướng Phật, ông đã miệt mài tra khảo từ ngữ. Ông dần hiểu và ngộ dần kinh Phật là điều thiêng liêng đối với ông và bổn sóc. Ông đọc mãi đến ngày ông nhận ra: nên làm điều gì đó để tưởng nhớ đến công ơn sinh dưỡng của phụ mẫu. Đặc biệt là phải thực hiện cho được 84.000 lời dạy của Phật thể hiện thành những hình tượng cụ thể. Chính sự mong muốn đó, một phần ông cũng muốn để lại cho con cháu đời sau hiểu được ý nghĩa và thực hiện điều đó, ông đã bắt tay thực hiện ngôi nhà tháp vào năm 2000.
Ông Mai Huyên nói: “Khi bắt tay vào làm nhà tháp này, con cháu và xóm giềng cũng qua giúp xây dựng, nhưng làm không như ý mình (tức là thiếu hiểu biết về kinh Phật nên làm không đạt) nên tôi cho họ nghỉ, để một mình thực hiện công trình này”. Với sự hiểu biết về kinh Phật, sự tỉ mỉ, khéo léo, tài hoa cùng trí tưởng tượng phong phú, ông đã tự thực hiện công trình đảm bảo được ý nghĩa và thể hiện đúng với lời dạy của phật để tạo ra những ông trình nghệ thuật đặc sắc. Nhìn những pho tượng Phật do ông xây đắp, ai cũng nhận ra là do bàn tay thủ công của con người làm nên nhưng rất có hồn không thua gì những nghệ nhân chuyên nghiệp.
Theo ông Mai Huyên, ông xây dựng ngôi nhà tháp này là để cho gia đình và mọi người trong phum sóc gửi tro cốt người thân sau khi qua đời, hỏa táng xong đưa vào. Nên mọi người rất ủng hộ ông, thậm chí góp tiền, góp vật tư cho ông xây dựng. Để vào nhà tháp, người sẽ đi qua một cái cổng có mái che (người dân gọi là nhà mát). Cổng có kích thước ngang 3 mét, dài 4 mét, mái bằng đổ tấm chắc chắn, lợp thêm mái tôn phía trên; phía trước và sau có 8 cột tròn bằng bêtông, 2 bên hông có 4 cột tròn.
Hoa văn dùng để trang trí là các bức vẽ mô phỏng phần đầu rắn thần Naga xòe cánh quạt, từng phần nối tiếp nhau kéo dài bao quanh cổng. Ở giữa, trên cùng có khắc tượng Phật Thích Ca ngồi thiền tựa gốc bồ đề và được rắn thần Naga bảo vệ, tay chắp tịnh tâm trước ngực biểu hiện cho sự che chở, tạo nên sự uy nghiêm. Bên dưới có 2 dãy ghế đá được xây gắn với phần vách hai bên, cao khoảng 0,5 mét, ngang 0,5 mét, dài 2 mét dành cho người qua đường ngồi dừng chân nghỉ ngơi trước khi đi tiếp.
Bước qua cổng là tới ngôi nhà tháp diện tích khoảng 400m2 nổi bật bởi vách tường bao quanh có 3 màu chủ đạo là màu vàng, vôi và trắng xám.
Đây là công trình mà ông Mai Huyên đã dành thời gian suốt 20 năm nghiên cứu, tìm hiểu qua sách vở, kinh phật, đọc được 105 trong 110 quyển sách viết bằng chữ Khơme để dựng nên vô số tượng Phật lớn nhỏ với nhiều họa tiết hình tượng phong phú, màu sắc đa dạng. Ông muốn làm sống lại hình ảnh những ngôi nhà tháp trong các truyện cổ tích ngày xưa... mà theo ông là muốn lưu giữ lại chút gì đó về văn hóa truyền thống cho người đời sau thưởng thức, cũng như trở thành địa điểm tổ chức các lễ tiết trong sinh hoạt tín ngưỡng của bà con ở địa phương.
Nét đặc sắc của tháp được thể hiện đầu tiên phần đỉnh tháp, ở trên đó có nhiều tượng Phật 4 mặt với tư thế nhìn ra 4 hướng, tượng trưng cho 4 chữ Từ, Bi, Hỷ, Xả. Theo lý giải, “Từ” được hiểu là học nghiệp, chức nghiệp, danh tiếng và địa vị. “Bi” là chuyên về ái tình, hôn nhân và quan hệ giao tiếp. “Hỷ” là về thu nhập và phú quý. “Xả” là sức khỏe và tiêu tai giải nạn. Gương mặt tượng Phật 4 mặt (trán, cằm, mũi, 2 bên má) có gắn nhiều mảnh gương chiếu sáng. Nói về điều này, ông Mai Huyên cho biết: “Gương soi là vật dụng, khi nhìn vào đó người ta có thể thấy bản thân mình, thể hiện sự trong suốt, tiếp dẫn ánh sáng ban ngày của thần mặt trời, ban đêm tiếp thu ánh sáng của mặt trăng, khi con người nhìn vào gương mặt tượng Phật sẽ thấy được tâm hồn mình soi sáng, mở mang trí óc, thông suốt mọi việc”.
Điều khiến du khách chú ý là trên phần nóc ngôi nhà tháp có nhiều thanh sắt được cắt và hàn gắn lại thành nhiều hình tượng khác nhau. Các khuôn sắt này đều nhọn lên trên và tua ra ngoài, nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ông Mai Huyên cho rằng, các thanh sắt này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người đã khuất. Khi người đã mất, phần thể xác còn ở lại nhân gian, khi người chết là đem đi thiêu rồi mang tro cốt gửi vào chùa, một số xây tháp tại nhà và mời sư lại tụng kinh cầu siêu cho người đã mất. Riêng ngôi nhà tháp này ông tin đã luôn có Phật hiện hữu, phần linh hồn sẽ được nghe kinh Phật, được Phật tiếp dẫn đến miền cực lạc. Nên vật sắt càng nhọn thì người chết càng sớm thoát khỏi cảnh lưu đày ở trần gian, nhanh chóng được tiếp dẫn sang miền cực lạc.
Mở cửa cho PV vào bên trong ngôi nhà tháp này, ông Mai Huyên giới thiệu thêm, một phần diện tích xây dựng cũng khá rộng lớn, nhưng chỉ dành mỗi lối đi ngang khoảng 0,8 mét. Tất cả diện tích còn lại tập trung cho việc dựng các tượng Phật, vẽ hoa văn liên hoàn từ phần vách ngoài đến vách trong và ở khu trung tâm, bao gồm phía trên trần, thân và chân tường. Ông bố trí các tượng Phật với nhiều tư thế khác nhau, tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ, kể về một câu chuyện hay một lời dạy nào đó của Phật Thích Ca. Từ hình tượng Phật ôm bình bát khất thực, cảnh tượng Phật ngồi thiền và nhập niết bàn, cho đến các loại chim thần dang rộng cánh tay chống đỡ mái chánh điện...
Nói về ý tưởng xây nhà tháp, ông Mai Huyên chia sẻ: “Tôi xây ngôi nhà tháp này vào năm 2000, chủ yếu để cho con cháu đời sau thấy mà nhớ về truyền thống nguồn cội, là địa điểm để bà con tổ chức đám làm phước hay để giữ hũ tro cốt của người đã khuất. Cũng là để thực hiện tâm nguyện hướng về Phật pháp lúc còn trẻ. Để làm ngôi nhà tháp này, tôi tự làm một mình, làm bằng tiền của gia đình chứ không vận động hay xin ai giúp hết, ai có lòng thì mua cho vài bao cát, vài bao ximăng cùng làm với tôi”.
Ngoài ngôi nhà tháp, ông Mai Huyên có 1 ngôi nhà ông thường ở. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc "là lạ", vẫn là màu vàng, màu vôi chủ đạo, làm ngôi nhà ông nổi hẳn lên, cho đến cách bố trí bên trong không gian nhà ở. Phần vách, trên trần nhà có nhiều tranh vẽ các họa tiết trên đó, ông nói mỗi hình tượng đều có ý nghĩa riêng của nó, chúng tôi được nghe ông kể các câu chuyện thật thú vị gắn với các hình ảnh đó. Ngôi nhà có 3 gian. Gian trước có 1 bàn và 2 chiếc ghế dài bằng gỗ để ngồi tiếp khách, bên trái có 1 giường đá dài khoảng 10 mét, ngang 3 mét dùng để tổ chức lễ, đám phước hay dùng để biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.
Gian giữa nhà dùng để thờ Phật Thích Ca, phía sau là các phòng nghỉ gia đình và cho khách. Gian sau là nhà bếp. Ông Mai Huyên cho biết: “Dù là nhà của gia đình nhưng thời gian qua, đã có nhiều người đến tham quan, trong đó có cả người nước ngoài như Đức, Bỉ, Pháp, Mỹ... Và họ rất thích thú với ngôi nhà tháp này”. Hy vọng, ngôi nhà tháp của ông sẽ là địa chỉ khám phá đầy thú vị cho du khách.
Một số hình ảnh về ngôi nhà tháp của ông Mai Huyên: