Cà Mau: Tìm nguyên nhân cua biển chết hàng loạt

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:31, 24/03/2021

Hiện ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang phối hợp với chính quyền cơ sở tìm hiểu nguyên nhân làm cua biển chết bất thường xảy ra trên địa bàn H.Ngọc Hiển.

Ngày 24.3, ông Lê Minh Thùy, Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết khoảng 1 tuần nay, người nuôi cua trên địa bàn xã vô cùng lo lắng. Bởi tình trạng cua biển nuôi đột nhiên chết bất thường xảy ra trên diện rộng.

nganh-chuc-nang-tinh-ca-mau-dang-thu-mau-de-tim-nguyen-nhan-cua-chet-anh-ctv.jpg
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang thu mẫu để tìm nguyên nhân cua chết - Ảnh: CTV

“Không riêng gì ở xã Tân Ân Tây mà ở các xã lân cận như xã Viên An Đông và TT.Rạch Gốc của H.Ngọc Hiển cũng xảy ra tình trạng cua biển chết. Đặt rập thì cua không vào, mà xổ cống bắt lên tầm 30 phút sau là chết, nguyên nhân như thế nào thì chúng tôi chưa kết luận được.

Hiện ngành chuyên môn đã xuống lấy mẫu để xác định, không biết có phải là do nắng nóng, độ mặn tăng cao hoặc nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chính hay không”, ông Thùy cho biết.

Ông Bùi Lũy, ngụ xã Tân Ân Tây than, mức độ thiệt hại của vuông nuôi gia đình ông ước khoảng 70%. “Tôi có 8 hec-ta đất nuôi cua cứ mỗi nước xổ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Nhưng con nước này thu nhập từ con cua chưa được 1 triệu đồng, cua chết xảy ra rải rác trong vuông nuôi. Mặc dù tôi tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo nhưng tình trạng cua chết bất thường khiến tôi khó hiểu”, ông Lũy buồn bã nói.

Tình trạng vuông nuôi của ông Trương Thanh Nhân, ngụ xã Tân Ân Tây cũng chẳng mấy khả quan. Chỉ về phía vuông nuôi, nơi có cua chết, ông Nhân lắc đầu: "Không hiểu vì sao mà cua vừa xổ ra mang lên bờ để một lát là chết rồi. Trong vuông cũng chết, bắt lên rồi cũng chết. Có những con cua to bự nhưng không chắc thịt. Luộc ăn thì thịt đắng và có vị nước mặn".

Còn ông Tô Trí Dũng, ngụ xã Tân Ân thì cho biết: “Vuông nuôi của tôi cũng có tôm cua chết nhưng chỉ rải rác vài con. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng thì tình trạng cua tôm chết vẫn xảy ra nhưng không đồng loạt như vừa qua ở các xã lân cận.

Người dân tuyệt đối không hoang mang, vì theo tôi có thể là do độ mặn tăng cao, hoặc nguồn nước bị ô nhiễm vì một nguyên nhân khách quan nào đó. Cả tuần nay trời trở gió mạnh, có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến cua nuôi bị lạnh dẫn đến chết cũng nên”.

Ông Hồ Hoàng Nam, cán bộ khuyến ngư phụ trách địa bàn xã Tân Ân Tây nói: "Theo tìm hiểu, khi hộ nuôi mang cua lên bờ khoảng 1-2 tiếng là cua chết. Tỉ lệ chết khoảng 50% trở lên. Hiện địa phương đã báo lên các ngành chuyên môn và lấy mẫu cua, mẫu đất và mẫu nước để phân tích làm rõ nguyên nhân".

Trước tình trạng bất thường xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành thu mẫu để giám định, phân tích nguyên nhân làm cua chết.


Trần Khải