Thủ tướng: Trên con tàu Việt Nam hùng cường, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:33, 24/03/2021
570 chuyến “lên rừng xuống biển”
Sáng nay (24.3), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.
Thủ tướng cho biết trong suốt nhiệm kỳ chính phủ vừa qua, “con tàu Việt Nam” đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia; cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt…
“Như câu tục ngữ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong 5 năm qua chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung; đặc biệt là đại dịch COVID-19…”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, một trong những điểm nổi bật của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành vừa qua là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp các ngành chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động.
“Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách”, Thủ tướng cho biết.
Hài hòa giữa ổn định và đổi mới
Thủ tướng cho rằng có thể khái quát thành tựu nhiệm kỳ qua trong một số cân đối hài hòa lớn, đó là sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển KT-XH với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội.
“Nói cách khác, đây là hài hòa giữa ổn định và đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó là hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm đổi mới và là 6,8% trong 2016-2019; tăng trưởng sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận nhưng không được xả thải gây ô nhiễm môi trường, phá hoại môi trường tự nhiên, đó là chuẩn mực của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và là xu thế văn minh toàn cầu.
Một nội dung nữa là hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong đó kinh tế trong nước là quyết định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với đó là hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Chúng ta tập trung thúc đẩy chính sách phát triển hằng năm gắn với thực hiện mục tiêu 5 năm, tầm nhìn 10 năm và lâu hơn nữa đến năm 2045.
“Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển về văn hóa xã hội... đều được quan tâm đúng mực. Chưa bao giờ Chính phủ chạy theo mục tiêu ngắn hạn, kém bền vững mà bỏ qua mục tiêu dài hạn nhất quán xuyên suốt hay ngược lại”, Thủ tướng nói.
Cuối cùng là hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác
“Có thể nói chưa bao giờ kể từ khi đổi mới, những cân đối lớn về kinh tế này của chúng ta được bảo đảm ngày càng vững chắc như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ nhìn nhận hàng loạt hạn chế
Trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ cũng tự “soi lại mình” và nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế như tình trạng đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai thi hành pháp luật có lúc có nơi còn chậm.
Về kế hoạch KT-XH 5 năm, do dịch COVID-19, vẫn còn 2/12 chỉ tiêu chưa đạt; việc thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa như kỳ vọng; việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu, một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống.
Công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm. Phát triển kinh tế vùng để tạo tác động liên kết, lan tỏa phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các các khu, cụm công nghiệp, làng nghề còn chậm được xử lý...
Bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số bộ ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn với việc tiếp, đối thoại giải quyết với công dân.
Trật tự xã hội, tình trạng thông tin xấu độc trên mạng xã hội, internet, thuê bao ảo, lừa đảo, tin nhắn rác chưa được xử lý triệt để. Một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm hình sự, ma túy. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp.
Những hạn chế tồn tại nêu trên là do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó yếu tố quyết định chính là con người, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ hạn chế, ngại va chạm; công tác phối hợp xử lý công việc giữa các bộ ngành, địa phương có lúc còn thiếu chặt chẽ...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được thụ hưởng thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng 13 đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta”, Thủ tướng khẳng định.