Đám cưới 'xưa' ở miền Tây Nam Bộ, nhớ biết chừng nào

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 17:45, 24/03/2021

Bữa đó đi công tác ở dưới U Minh Thượng, vào quán ăn, thấy đề món bún cù lao, cả đoàn ngạc nhiên không hiểu đây là món gì.

Hỏi ra mới biết, đó là món bún được nấu theo kiểu cù lao ngày xưa, và cũng được đựng trong cái cù lao cho thực khách dùng. Nghe đến đây, mấy vị khách quê ở miền Tây liền nhận ra ngay, riêng khách miền ngoài thì đành chịu, vì chẳng ai biết cái “cù lao” là cái gì. Thực ra, vốn dĩ cù lao là danh từ người miền Tây dùng để gọi một khoảng đất cát nổi lên giữa sông, do phù sa bồi đắp lâu ngày mà thành. Ở miền Tây có những cù lao rộng hàng trăm cây số vuông, dân cư sinh sống đông đúc, như cù lao Minh ở Bến Tre, cù lao Dung ở Sóc Trăng, cù lao Ông Chưởng, cù lao Giêng ở Chợ Mới, An Giang. Cũng có những cù lao chỉ là mảng đất nhỏ nổi lên, trên ấy mọc vài chòm cây bụi cỏ.

chiec-cong-dam-cuoi-bang-la-dua-dam-chat-mien-tay.jpg
Chiếc cổng đám cưới bằng lá dừa đậm chất miền Tây - Ảnh: Chí Hùng

Từ “cù lao” cũng được dân miền Tây dùng để chỉ một món ăn giống như cái lẩu hiện giờ. Sở dĩ gọi vậy là vì món này được đựng trong cái cù lao, một vật dụng làm bằng chất liệu thau, hình dáng giống như cái chân đèn dầu nhưng lớn hơn. Chính giữa là hình trụ tròn, rỗng, dùng để chứa than nóng. Xung quanh là bộ phận chứa nước lẩu và thức ăn, có nắp đậy. Ngày xưa, đám tiệc ở miền Tây đều phải có món cù lao. Đến nỗi đi ăn đám cưới ở miền Tây người ta gọi là “đi ăn cù lao”. Khi hỏi một ai đó khi nào lấy chồng hoặc lấy vợ, người ta sẽ nói: “Ê, chừng nào cho ăn cù lao đây mậy?”.

Người miền Tây đi ăn đám cưới gọi là đi ăn cù lao, bởi cù lao là món chủ đạo, không thể thiếu trong đám cưới trước đây. Món cù lao gần giống như món lẩu ngọt ngày nay. Thịt heo, thịt gà, thịt vịt đều nấu cù lao được. Các loại thịt này nấu chung với đậu phộng, củ cải, bắp cải, nấm, tôm khô... Món cù lao thường được gia chủ dọn ra vào cuối buổi tiệc. Người ta cũng thường dựa vào chất lượng của món này để đánh giá chung xem thợ nấu đám có khéo tay hay không. Bởi vậy, ai đi đám cưới mà ăn chưa tới món cù lao là coi như bữa tiệc của người ấy chưa trọn vẹn.

Người miền Tây ăn đám giỗ thì không câu nệ soi xét, chớ ăn đám cưới thì bà con cũng... khó tính lắm. Nhiều người cho rằng đám cưới là tiệc có chuẩn bị trước của gia chủ, nếu gia chủ không nấu nướng hay tiếp đãi chu đáo thì chắc là gia chủ coi thường mình. Với lại, đám cưới phải đi thiệp, phong bì, nên người ta có "quyền" xét nét. Còn ăn đám giỗ nhiều khi chỉ mua một xị rượu để hùn với gia chủ, rồi được ăn nhậu tới chiều, ai mà dám bắt lỗi bắt phải gia chủ nữa. Ở đám cưới, bà con để ý từ chất lượng bữa tiệc, đến thái độ phục vụ của gia chủ, kể cả cách đón tiếp và tiễn khách họ cũng lưu tâm. Nếu chủ lễ mà sơ sót, bà con phật ý trong bữa tiệc là một chuyện, sau đó họ còn đồn đại râm ran suốt một thời gian dài.

dam-cuoi-mien-tay-the-hien-ro-net-tinh-lang-nghia-xom-va-loi-song-co-ket-cong-dong.jpeg
Hàng xóm chung tay giúp dựng rạp đãi đám cưới - Ảnh: Chí Hùng

Trước đây, khi nhà nào chuẩn bị đám cưới, thì một người đàn ông có uy tín trong gia đình đó sẽ cầm chai rượu có quấn giấy đỏ đi mời khắp xóm giềng. Đến nhà nào cũng vậy, người đó cung kính chào hỏi, sau đó lễ phép mời gia chủ một ly rượu, rồi mới nói lý do và mời đám. Lời nói phải thật sự lưu loát, dùng nhiều kính ngữ vì người ta quan niệm rằng nói vấp váp thì đôi uyên ương sẽ có thể trắc trở trong mối lương duyên, còn nếu nói quá xuề xòa thì xem như coi thường khách mời, có thể vì thế mà họ sẽ phật ý, không thèm đi dự đám cưới.

Ngặt một nỗi, đi đến đâu thì người mời đám cũng phải uống rượu, chủ nhà đôi khi chỉ nhấp môi nhưng người đi mời thì phải uống cạn. Do vậy mà chỉ được vài ba hộ, người đi mời đã ngà ngà say, thế là không dám đi tiếp vì sợ có rượu sẽ ăn nói hàm hồ, đành quay về nhà ngủ một giấc rồi hôm sau đi mời tiếp. Có lúc mời đám mà ghé ngay nhà “chiến hữu”, thế là làm xong nghi thức như đã nói, họ bèn tổ chức luôn một bữa rượu tại gia. Khỏi nói thì cũng biết kết quả thế nào rồi. Bởi vậy, nhiều khi có một đám cưới thôi mà người ta phải đi mời hàng tháng trời mới giáp.

may-tam-van-ngua-dat-trong-bep-cho-may-ba-may-co-de-thit-tha-thuc-an-len-do.jpeg
Chuẩn bị đồ ăn đãi cưới - Ảnh: Chí Hùng

Thông thường thì đám cưới vui nhất là giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày nhóm họ, chớ mấy ngày đãi khách hoặc đưa dâu, rước dâu thì ai cũng bận rộn, không có thời gian đâu mà tận hưởng niềm vui. Trước đám cưới khoảng 5 ngày là người ta đã bắt đầu lục đục chuẩn bị. Cánh phụ nữ thì họp bàn sẽ nấu bao nhiêu mâm, nấu những món gì, phân công ai bếp chính ai bếp phụ, ai đi mượn dao thớt chén đĩa, ai đi chợ mua thịt, rau củ, gia vị. Cánh nam nhi thì kéo nhau đi chặt cây dựng rạp, đi mượn mấy bộ lư đồng về để trên bàn trưởng tộc, vác mấy bộ bàn ghế về chuẩn bị đãi khách. Cả mấy tấm ván ngựa dày cộp cũng được vác về, có tấm thì để trong bếp cho mấy bà mấy cô sắp xếp đồ ăn trước khi lên mâm, có tấm để ở góc nhà cho khách ngả lưng khi mỏi mệt.

Trước đây, hầu như nhà nào có đám cưới thì cả xóm đến chung tay chuẩn bị, mỗi người một việc, nặng hay nhẹ tùy theo sức. Ai có vật dụng gì phục vụ được cho đám thì cũng đem đến cho mượn, người cái dao người cái thớt, người bộ ghế bộ bàn, cứ thế mà chủ tiệc tươm tất mọi thứ để đãi khách. Có người làm ăn khá giả, thế là mua sẵn bàn ghế chén đĩa để sẵn trong nhà. Không phải để họ xài mà để dành nhà nào có đám cưới thì cho mượn. Mà mượn xài có khi sứt mẻ chút đỉnh cũng không bắt đền hay than trách gì.

Nói chung, trong những lúc có đám tiệc như thế, mới thấy tấm lòng của người miền Tây Nam Bộ sống với nhau như bát nước đầy. Dù đôi khi tiếp đám có cực nhọc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng ai cũng vui vẻ. Dường như sự hoan hỉ của gia chủ đã lan tỏa sang mọi người.

Chuẩn bị mọi thứ vừa xong cũng là đúng ngày nhóm họ. Nếu nhà nào mần heo làm đám thì đêm nhóm họ thực khách thế nào cũng được thưởng thức món cháo lòng nóng hổi thơm ngon. Còn nếu nhà không mần heo mà đặt thịt ở chợ, thì đêm nhóm họ người ta thường đãi cháo vịt. Có thể kèm theo nhiều món phụ nữa, nhưng món cháo thì nhất định phải có. Bởi vậy, nhiều người gọi đi ăn bữa nhóm họ là “đi ăn cháo khuya”. Cánh phụ nữ ăn cháo xong thì đi chuẩn bị kỹ càng bếp núc để sáng sớm phải kịp đỏ lửa, còn quý ông thì đương nhiên uống rượu tới khuya.

phu-nu-trong-xom-cung-nhau-nau-dam-cuoi-trong-niem-hoan-hi.jpeg
Đám cưới là dịp gắn kết tình làng nghĩa xóm - Ảnh: Chí Hùng

Sau mấy ngày chuẩn bị vất vả, giờ là lúc cánh đàn ông tận hưởng thành quả của họ. Họ uống và nhận xét cổng đám cưới đã được làm công phu như thế nào, về cái rạp này được dựng vững chãi ra sao. Có khi họ nói về công lúa mới trổ đòng đòng, nói về một loại thuốc trị rầy nâu rất hữu hiệu mà họ vừa mua về xịt. Nói chung đủ chuyện trên trời dưới đất được cánh mày râu sẻ chia. Rượu vào lời ra. Uống và nói. Nói và uống. Cứ thế cho đến khuya, có khi tới sáng. Không sao cả, dân quê mà, lâu lâu nhậu một lần nhằm nhò gì. Họ về nhà tắm rửa, thay bộ đồ lịch sự vào, đến dùng bữa điểm tâm, uống mấy ly trà xong là khỏe re, có thể bưng bàn ghế, xếp chén đũa chuẩn bị đãi khách. Lúc này, trong bếp thợ nấu cũng đã xong mấy món khai vị.

Ngày xưa, ở miệt quê, ngày nào có đám cưới thì cả xóm vui như hội. Người lớn nô nức ăn mặc đẹp đi dự đám. Con nít thì rồng rắn kéo nhau đi xem cô dâu chú rể. Ngộ là, nhiều khi ngày thường đã quá quen mặt với cô dâu chú rể rồi, nhưng bữa đám cưới phải nhìn thấy mặt cô dâu chú rể một cái mới toại nguyện. Có đứa còn chơi ác, cô dâu chú rể vừa bước ra là tụi nó hát to: “Cô dâu chú rể/làm bể bình bông/đổ thừa con nít/bị đòn nát đít”. Hát xong cả nhóm chen nhau vừa cười vừa chạy, chạy một chút rồi quay lại đám cưới chơi tiếp.

Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy mấy cô mấy chị khi đi đám cưới thường ăn mặc đẹp, và hình như nhà có bao nhiêu vàng là lấy ra đeo hết, nào dây chuyền, nào đeo bông, nào cà rá, nào vòng tay. Nếu nhà nào không có, họ sẽ đi mượn mấy nhà khác để đeo, đi đám cưới về rồi tháo ra trả lại. Khổ nỗi mấy cô mấy chị ở quê quanh năm tay lấm chân bùn, nước da đen sạm vì nắng vì mưa, nên khi đeo vòng vàng lóng lánh thì vàng ra vàng mà người ra người, chẳng thấy ăn nhập vào đâu. Nhưng kệ, đi đám cưới thì phải đẹp, nếu không đẹp thì cũng phải sang, cho người ta thấy mình là người có của.

lau-cu-lao-1-1641.jpg
Cái cù lao chứa thức ăn - Ảnh: Internet

Cánh đàn ông thì cũng ăn mặc gọn gàng lịch sự, nhưng không quan tâm đến phụ kiện trang sức, mà quan tâm đến các “chiến hữu” có thể nhậu tới bến với mình. Lâu lâu có đám tiệc một lần nên họ thường gác chuyện đồng áng qua một bên để chơi xả láng, đến khi ra về là say quắc cần câu. Đám cưới quê ngày xưa không có âm nhạc hát hò như bây giờ. Người ta ăn uống nhậu nhẹt và tâm sự với nhau đủ thứ chuyện. Ngoài chuyện đến chúc phúc cho gia chủ, đám cưới còn là dịp người dân quê được sẻ chia tâm sự, để vơi đi nỗi nhọc nhằn cơ cực.

Đám cưới ở miền Tây trước đây thường đưa dâu và rước dâu bằng tàu ghe. Bởi vậy, cánh mày râu tha hồ nhậu nhẹt mà không sợ cảnh lái xe mất an toàn hay bị công an đo nồng độ cồn như bây giờ. Thông thường, đàng trai qua nhà đàng gái thì chỉ được đãi bánh nước chớ không đãi tiệc, đến khi làm lễ xong thì rút lui. Còn đàng gái qua đàng trai thì được đãi ăn uống hoành tráng lắm. Mỗi bàn đều có người bên phía đàng trai ngồi chung, để tiếp đãi cho họ nhà gái. Bàn của mấy chị mấy cô thì chỉ ăn uống và trò chuyện. Chớ bàn của mấy anh mấy chú thì đương nhiên phải có rượu. Thậm chí, đàng trai phải cử những người nhậu mạnh nhất để tiếp rượu đàng gái.

Có điều, thời gian dùng tiệc bên nhà trai không thể kéo dài mãi. Đến khi các vị trưởng tộc dùng bữa xong là xin kiếu về. Lúc này, các bàn nhậu bắt đầu tăng tốc, có khi mỗi người uống một lần hai ba ly rượu như chơi. Để thể hiện sự nhiệt tình, cánh đàng trai còn cầm theo mấy chai rượu đưa tiễn các chiến hữu của mình từ nhà chú rể xuống tới tận chỗ chiếc tàu đưa dâu đang đậu, đi vài bước là uống với nhau một cái. Uống đã đời rồi, khi họ nhà gái đã lên tàu hết, phía đàng trai còn gửi thêm mấy chai rượu và vài đĩa mồi lên tàu. Tàu rời bến, mấy anh trên tàu lúc này mới đem rượu đem mồi ra nhậu tiếp. Tàu chạy cứ chạy, mấy anh cứ uống. Uống đến khi nào tàu về đến bến thì mới nghỉ. Bởi vậy, dân gian gọi là “nhậu tới bến”. Sau này, cụm từ đó được dùng với nghĩa rộng hơn, là nhậu đến khi nào say bí tỉ mới thôi.

dam-cuoi-la-dip-ba-con-don-chung-vui-va-chuc-phuc-cho-gia-chu-dong-thoi-cung-la-dip-de-ba-con-gap-go-tam-su-tham-hoi-nhau.jpg
Chung vui và chúc phúc cho cô dâu, chú rể - Ảnh: Chí Hùng

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống tiện nghi hơn nên dần dà đám tiệc người ta cũng thuê mướn đồ đạc, đặt nhà hàng nấu nướng và tiếp đãi khách hết. Khỏe thì có khỏe, nhưng mất đi biết bao niềm vui của những ngày gái trai trong xóm hồ hởi đi tiếp đám, mất đi sự kết cộng đồng ở chốn thôn quê mà chỉ có trong đám cưới truyền thống mới rõ nét nhất. Tệ hơn nữa là bây giờ hầu như nhà nào có đám cưới gia chủ cũng thuê dàn âm thanh công suất lớn về hát hò ỏm tỏi. Người đi dự đám lâu ngày gặp nhau, có biết bao câu chuyện cần sẻ chia nhưng không nói được, vì tiếng hát đã lấn át mất tiếng nói. Họ chỉ đành ngồi ăn uống và nhìn nhau, đợi nhạc dừng thì tranh thủ nói với nhau vài tiếng, rồi nhạc cất lên và họ lại ăn uống trong sự lặng lẽ.

Có nhiều người không chịu nổi tiếng nhạc “tra tấn”, nể lòng gia chủ họ vẫn đến dự tiệc, nhưng chỉ ăn qua loa một lát thì rút lui. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, những nét đẹp trong tình làng nghĩa xóm, trong các lễ tục dân gian lại mờ nhòa dần. Có lúc, đang ngồi dự đám cưới mà lòng ngơ ngẩn buồn, thấy nhớ cái đám cưới miền Tây ngày xưa biết chừng nào.

Trương Chí Hùng