Thủ tướng Suga chỉ trích Triều Tiên vì phóng 2 tên lửa đạn đạo gần Nhật, gây áp lực lên chính quyền Biden
Quốc tế - Ngày đăng : 08:45, 25/03/2021
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bị cấm theo các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nếu Triều Tiên xác nhận, vụ phóng tên lửa này sẽ là thách thức mới với nỗ lực của Tổng thống Joe Biden trong việc can dự vào Bình Nhưỡng.
Chính phủ Nhật Bản cho biết hai tên lửa đã bay khoảng 450 km và hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
“Vụ phóng đầu tiên chỉ trong vòng chưa đầy một năm thể hiện mối đe dọa với hòa bình và ổn định ở Nhật Bản cũng như khu vực và vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga nói và được Đài truyền hình NHK phát sóng.
Nhật Bản sẽ tổ chức Thế vận hội mùa hè, vốn bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong vòng chưa đầy 4 tháng tới.
Suga cho biết ông sẽ đảm bảo một Thế vận hội an toàn và bảo mật, đồng thời “thảo luận kỹ lưỡng” về các vấn đề của Triều Tiên, bao gồm cả vụ phóng tên lửa vừa rồi với Tổng thống Biden trong chuyến thăm Mỹ vào tháng tới.
Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc trước đó báo cáo ít nhất hai "quả đạn không xác định" đã được bắn xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản từ tỉnh Hamgyong của Triều Tiên trên bờ biển phía đông.
Các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích dữ liệu của vụ phóng để có thêm thông tin.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ xác nhận Triều Tiên đã thực hiện một vụ phóng đạn mới mà không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng hoặc loại đạn được phát hiện.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cảnh báo các tàu không nên đến gần bất kỳ vật thể rơi nào và yêu cầu họ cung cấp thông tin.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn hai tên lửa hành trình tầm ngắn vào cuối tuần qua, nhưng ông Biden coi vụ thử đó là "công việc bình thường, không có gì mới theo những gì họ từng làm" và cho biết vẫn sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng.
“Các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng sẽ là một bước tiến cho phép Triều Tiên cải tiến công nghệ của mình, gửi phản ứng tương xứng với các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn và báo hiệu cho Mỹ rằng họ đang cải thiện kho vũ khí”, Vipin Narang, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho biết.
Vipin Narang nói các vụ phóng thử tên lửa có thể không phá hỏng nỗ lực ngoại giao nhưng là lời nhắc nhở về cái giá phải trả từ việc không đạt được thỏa thuận với Triều Tiên
“Mỗi ngày trôi qua mà không có thỏa thuận cố gắng giảm thiểu rủi ro do kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gây ra, là một ngày trở nên tồi tệ hơn”, Vipin Narang nhận định.
Leif-Eric Easley, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết: “Với việc quay trở lại thử nghiệm các loại tên lửa khác nhau, Bình Nhưỡng đang bất chấp những giới hạn mà họ có thể đạt được theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Triều Tiên cũng đang thách thức Thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều năm 2018, mà nước này đã đe dọa sẽ hủy bỏ".
Việc thể hiện sẵn sàng đối thoại của ông Biden với Triều Tiên vẫn chưa được hồi đáp. Triều Tiên cho biết sẽ không phản ứng cho đến khi Mỹ từ bỏ các chính sách thù địch, bao gồm cả việc thực hiện các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc.
Hôm 24.3, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết việc xem xét chính sách về Triều Tiên của chính quyền Biden đang trong "giai đoạn cuối" và sẽ cùng cố vấn an ninh quốc gia hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc thảo luận về điều đó vào tuần tới.
Triều Tiên đã tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa trong suốt năm 2020, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc có từ 2006. Triều Tiên được cho có được khoảng 300 triệu USD từ tấn công mạng để làm điều này, theo các cơ quan giám sát trừng phạt độc lập của Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên đã không thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa nhất kể từ năm 2017.
Đầu năm 2018, Triều Tiên đã tuyên bố ngừng thử vũ khí hạt nhân và ICBM, dù nói rằng không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi điều đó nữa.
Nước này đã thử nghiệm một số tên lửa tầm ngắn mới có thể đe dọa Hàn Quốc và 28.500 lính Mỹ đóng tại đây, gần đây nhất là vào tháng 3.2020.