Chánh án TANDTC: Nhiệm kỳ qua không xảy việc kết án oan
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:44, 25/03/2021
Sáng 25.3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày báo cáo công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 (2016-2021).
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ trong nhiệm kỳ qua, mặc dù số lượng công việc tăng, bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%, với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, các tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc).
Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; đã giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Bên cạnh đó, đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.
“Tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Hệ thống Tòa án đã tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tòa án nhân dân đã giải quyết 36.042 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 7.503 đơn; đã giải quyết tăng 5.268 đơn).
Cùng với đó, hệ thống tòa án đã đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, do đó, tỷ lệ giải quyết đơn trong những năm gần đây có nhiều tiến bộ, năm sau luôn đạt cao hơn năm trước.
Các tòa án đã giải quyết 26.770 đơn khiếu nại quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 98,8%. Việc giải quyết tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn, có căn cứ và đúng pháp luật.
TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hơn 60 dự án luật, pháp lệnh. Ngoài ra, đã phối hợp xây dựng, ban hành 19 Thông tư liên tịch. Ban hành 05 tập Giải đáp và nhiều văn bản thông báo kết quả giải đáp trực tuyến về nghiệp vụ. Đã công bố được 39 án lệ…
Đặc biệt, TANDTC đã tổ chức thành công thí điểm đổi mới, hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở đó, đã đề xuất và được Quốc hội chấp thuận xây dựng và ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Triển khai, tổ chức tập huấn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Luật, đưa Luật vào cuộc sống từ ngày 1.1.2021.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, TANDTC đã triển khai thành lập hệ thống Tòa án 4 cấp. Hoạt động của 4 cấp Tòa án dần dần đi vào ổn định, nề nếp và phát huy tác dụng của mô hình tổ chức Tòa án mới.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các Tòa án cũng còn một số hạn chế, thiếu sót.
Nguyên nhân là do số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp (tăng 624.551 vụ việc so với nhiệm kỳ trước). Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất lớn, trong khi số lượng cán bộ, Thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ chính sách đối với cán bộ, Thẩm phán còn chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác tại Tòa án…