Không nên xem thường khi trẻ đi tiêu ra máu

Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 10:15, 26/03/2021

Loét dạ dày - tá tràng có thể gây biến chứng chảy máu tiêu hóa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời

Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Cần Thơ vừa tiếp nhận bệnh nhân T.P.H (15 tuổi) nhập viện với tình trạng nôn ói ra máu nhiều. Bệnh nhân đi tiêu ra phân sệt màu đen, kèm theo đau bụng, chóng mặt, tụt huyết áp, da xanh xao.

bvnd.jpg
Các bác sĩ khẩn trương cấp cứu bệnh nhân - Ảnh: CTV

Nhận định đây là trường hợp chảy máu tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày - tá tràng, các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hồi sức tích cực. Bệnh nhân được truyền 6 đơn vị máu, dùng các thuốc ức chế tiết a xít dạ dày.

Khi bệnh nhân ổn định tình trạng xuất huyết, các bác sĩ đã tiến hành gây mê nội soi dạ dày - tá tràng. Kết quả cho thấy bệnh nhân có một ổ loét to ở vùng hành tá tràng, kích thước 10 x 10mm, chẩn đoán trên nội soi là loét hành tá tràng Forrest III, viêm dạ dày. Đồng thời các bác sĩ tiến hành Urease test tìm vi khuẩn HP. Tình trạng bệnh nhân sau đó ổn định, được xuất viện. 

Ths-BS Thái Thanh Lâm, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Cần Thơ) cho biết: “Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh lý ngày càng phổ biến ở trẻ em. Bệnh có thể gây biến chứng chảy máu tiêu hóa nếu không phát hiện và điều trị kịp thời”.

Thanh Ngọc