Voi châu Phi đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn trộm

Quốc tế - Ngày đăng : 13:15, 26/03/2021

Một tổ chức phi chính phủ cho biết quần thể voi châu Phi đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua do nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp và môi trường sống bị thu hẹp. Các nhà bảo tồn cho biết chỉ còn khoảng 415.000 con voi trên toàn thể lục địa này.
54696806_403.jpg
Một chú voi rừng châu Phi ở Cộng hòa Congo.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết voi châu Phi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nguyên nhân đến từ nạn săn trộm để lấy ngà và thu hẹp môi trường sống. Bài đánh giá từ IUCN thể hiện rằng số lượng voi rừng châu Phi đã giảm 86% trong khoảng thời gian 31 năm, trong khi đó số lượng voi tràng cỏ (savanna) châu Phi giảm 60% trong khoảng thời gian 50 năm.

“Chúng ta phải khẩn trương chấm dứt nạn săn trộm và đảm bảo rằng môi trường sống thích hợp cho cả voi rừng và voi savanna được bảo tồn”, Tổng giám đốc IUCN Bruno Oberle cho biết.

Hiện nay chỉ còn khoảng 415.000 con voi trên khắp lục địa châu Phi, theo IUCN. Loài voi rừng châu Phi được xếp vào loại "cực kỳ nguy cấp", mức nguy cơ cao nhất chỉ đứng sau tuyệt chủng, trong khi loài voi xavan to lớn hơn được xếp vào "nguy cấp".

Những con voi sống ở đâu và tại sao số lượng của chúng ngày càng giảm?

Những con voi rừng châu Phi sinh sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở tây và trung Phi, ở các nước như Gabon và Cộng hòa Congo. Những con voi savanna sống tại những vùng đồng bằng rộng mở cận Sahara, với các quần thể được tìm thấy ở Botswana, Nam Phi và Zimbabwe.

Rủi ro hàng đầu đối với cả hai loài voi này là nạn săn trộm ngà voi, đã tăng vọt trong thập kỷ vừa qua. Năm 2008, một vụ buôn bán hợp pháp ngà voi quy mô lớn từ bốn quốc gia châu Phi cho Nhật Bản và Trung Quốc nhằm mục đích giảm thiểu nạn săn trộm đã gây phản tác dụng, khiến nhiều con voi bị giết chỉ vì thương vụ này.

Năm 1989, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cấm buôn bán ngà voi trên quốc tế. Tuy nhiên, việc buôn lậu ngà voi vẫn thường xuyên tiếp diễn do các mạng lưới tội phạm tiến hành hợp tác với các quan chức tham nhũng, dẫn đến phần lớn ngà voi rời khỏi châu Phi và được vận chuyển đến châu Á.

Một mối đe dọa lớn khác đối với loài voi là vấn đề mất môi trường sống, vì đất đai trên khắp châu Phi ngày nay đang được phát triển cho ngành nông nghiệp và các mục đích khác.

"Nếu chúng ta không lập kế hoạch sử dụng đất đai hợp lý trong tương lai gần, thì kể cả nếu chúng ta có ngừng được nạn săn bắt trộm và ngừng giết hại bất hợp pháp những loài động vật này, thì vẫn sẽ có những hình thức giết hại gián tiếp khác từ việc sử dụng đất đai kém hiệu quả", Benson Okita-Ouma thuộc Nhóm chuyên gia về voi châu Phi của IUCN cho biết.

Các chính phủ châu Phi có thể làm gì để cứu lấy loài voi?

Báo cáo của IUCN cũng nêu rõ các bước mà một số quốc gia châu Phi đã thực hiện để bảo tồn quần thể voi của họ. Ở Gabon và Cộng hòa Congo, quần thể voi rừng đang sinh sống ổn định ở một số khu bảo tồn được quản lý tốt, trong khi quần thể voi savanna sinh sống ổn định hay đang gia tăng ở Khu bảo tồn Kavango-Zambezi, nằm trong biên giới của 5 quốc gia châu Phi.

"Một số quốc gia châu Phi đã đi đầu trong những năm gần đây, chứng minh rằng chúng ta có thể đảo ngược sự suy giảm của loài voi và chúng ta phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng mình có thể noi gương họ", Oberle nói.

Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thành phố New York, tin rằng cần phải thực hiện 5 chiến lược để bảo vệ quần thể voi. 5 chiến lược này bao gồm ngăn chặn nạn săn bắn voi trái phép, bảo vệ môi trường sống của chúng, giám sát số lượng voi, hạn chế buôn bán ngà voi và quan trọng nhất là giảm nhu cầu sử dụng ngà voi.

Hoàng Phương