Giá xăng dầu hôm nay 27.3 tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm
Sự kiện - Ngày đăng : 15:15, 27/03/2021
Chiều 27.3, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 165 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 129 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 17.851 đồng/lít và xăng RON 95 là 19.046 đồng/lít.
Như vậy, xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 trong nước có lần tăng thứ ba liên tiếp sau khi được giữ nguyên trước Tết Nguyên đán. Thời gian qua (kể từ ngày 11.11.2020), giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 3.966 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 4.345 đồng/lít. Giá xăng hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng hơn một năm.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu được điều chỉnh giảm. Giá dầu diesel giảm 158 đồng/lít, dầu hỏa 169 giảm đồng/lít, dầu mazut giảm 12 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 14.243 đồng/lít, dầu hỏa là 13.004 đồng/lít và dầu mazut là 13.757 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.900 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 1.050 đồng/lít và dầu mazut là 600 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít; dầu diesel 500 đồng/lít.
Tính đến đầu giờ sáng 27.3, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5.2021 đứng ở mức 60,72 USD/thùng, tăng 2,16 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 26.3, giá dầu WTI giao tháng 5.2021 đã tăng tới 1,92 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5.2021 đứng ở mức 64,37 USD/thùng, tăng 2,42 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 2,18 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 26.3.
Giá dầu ngày 27.3 tăng mạnh chủ yếu do thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô và các sản phẩm lọc hoá dầu gián đoạn trong thời gian dài hơn khi tình trạng phong toả kênh đào Suez có thể kéo dài nhiều tuần thay vì chỉ 2 ngày như dự báo trước đây.
Sự cố ở kênh đào Suez được đánh giá là gây ra hậu quả tiêu cực với thương mại hàng hoá container, nhiên liệu giữa Trung Đông, Trung Quốc và EU, đặc biệt là Đức khi có tới 16% hoá chất sự dụng trong nền kinh tế được nhập khẩu qua kênh đào này.
Theo một ước tính của Bloomberg, sự cố ở kênh đào Suez đang khiến khoảng 10 tỉ USD hàng hóa bị mắc kẹt, bao gồm 10 triệu thùng dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, LNG.