Gần 1.600 chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, Hà Nội xin cơ chế đặc thù để cải tạo, xây dựng lại
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:47, 29/03/2021
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 28.3, UBND TP.Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng hàng loạt vấn đề.
Xin đấu thầu hàng nghìn hecta đất từ việc di dời trụ sở, nhà máy
Về kế hoạch đầu tư công, dự kiến tổng nhu cầu chi của Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là 965 nghìn tỉ đồng, trong đó nhu cầu đầu tư công khoảng 650 nghìn tỉ đồng, khả năng cân đối ngân sách TP.Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu.
Thành phố đầu tư 455 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 207 nghìn tỉ đồng. Đây là các dự án quan trọng cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch giao thông thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường liên kết vùng và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển thủ đô và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, TP.Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô giai đoạn 2022-2025, đáp ứng trách nhiệm, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của thủ đô và phục vụ phát triển hội nhập của cả nước.
Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỉ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng (gồm các dự án: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, từ Km14+380 - Km38+00; Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; Xây dựng tuyến đường cao tốc đại lộ Thăng Long, đoạn nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra quốc lộ 32).
Ngoài ra, đề nghị cho phép TP.Hà Nội rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... các cơ quan đơn vị của trung ương và thành phố, quỹ nhà đất chuyên dùng của thành phố và rà soát quỹ đất trước đây đã quy hoạch làm quỹ đất đối ứng thực hiện các dự án BT, nay dừng triển khai (dự kiến khoảng 8.900ha) để tổ chức đấu thầu, đấu giá tạo nguồn đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm.
Đề nghị Thủ tướng chấp thuận vị trí nhà ga C9
Đối với khó khăn, vướng mắc khi triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị, về vị trí ga C9 trong tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vị trí nhà ga C9 theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt.
Cùng với đó, đề nghị Thủ tướng giao TP.Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng thống nhất các yếu tố, điều kiện về kỹ thuật chạy tàu, yêu cầu của Luật Di sản văn hóa để xác định cụ thể phạm vi, các yêu cầu của lối lên xuống và các yêu cầu về kỹ thuật khác để thiết kế, hạn chế ít nhất ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Đề nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương trình Quốc hội phê duyệt đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác.
Đối với việc đầu tư các cầu lớn qua sông Hồng, Hà Nội mong muốn Thủ tướng thống nhất chủ trương phát triển đồng bộ các cầu qua sông Hồng. Trong đó, dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỉ đồng), cầu Thượng Cát (khoảng 9.000 tỉ đồng) trước đây thành phố đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT nay do hình thức BT đã bị hủy bỏ, thành phố chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.
Về lĩnh vực quy hoạch, vừa qua Hà Nội đã phê duyệt 6 phân khu quy hoạch đô thị khu vực nội đô lịch sử (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị từ 86% lên 96%.
Để thực hiện đồng bộ, nâng cao tính khoa học, tính khả thi và thực tiễn khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành, TP.Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố lên 40% - 60% (theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ là 30% - 70%), cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Cùng với đó, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng thủ đô; đặc biệt tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm...
Tổng kiểm định chung cư cũ
Về công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử; hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, xuống cấp nghiêm trọng.
Từ năm 2014 đến nay thành phố mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư, tiến độ thực hiện chậm do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về phương pháp tổ chức thực hiện.
Để thực hiện được chủ trương mang tính xã hội và yêu cầu tái thiết đô thị cao, đề nghị Thủ tướng thống nhất để TP.Hà Nội chủ động tổ chức tổng kiểm định kỹ thuật chung cư cũ, tổ chức lập toàn bộ quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ.
Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng phân làm 3 mô hình cấp độ (Khu chung cư cũ: quy mô lập đồ án quy hoạch chi tiết; Nhóm chung cư cũ: quy mô lập tổng mặt bằng; Tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ: quy mô lập tổng mặt bằng nhà đơn lẻ + đề án nghiên cứu phương thức quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận) để có cơ chế chính sách, biện pháp tổ chức triển khai phù hợp nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án, đồng thời có phương án tạm cư, tái định cư phù hợp nhất.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Trong đó thực hiện quy hoạch theo hướng tăng các chỉ tiêu khống chế, giữ ổn định chỉ tiêu dân số, tái tạo quỹ nhà để sử dụng vào chức năng thương mại, dịch vụ khi tăng chiều cao công trình, giảm mật độ xây dựng, thực hiện một số biện pháp, thủ tục hành chính cụ thể để thực hiện.