Trường nghề đảm bảo đầu ra cho các sinh viên trong cuộc chạy đua tuyển sinh 2021
Giáo dục - Ngày đăng : 11:54, 29/03/2021
Tới thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ đã công bố phương án tuyển sinh và các trường nghề cũng đưa ra những bước tuyển sinh riêng nhằm thu hút sinh viên cho năm học 2021. Không chỉ có những ưu tiên riêng dành cho các thí sinh có học lực tốt, đối với cả các học sinh có học lực trung bình, các trường nghề cũng tạo điều kiện tối đa cho đầu ra của các sinh viên.
Kể từ năm 2020, các học sinh lớp 12 có xu hướng chọn các trường CĐ nghề để xét tuyển thay vì cố gắng để thi vào các trường ĐH vì không chỉ chênh lệch về mặt tài chính mà còn là đầu ra của các ngành nghề. Nhiều học sinh có chọn lựa này cho rằng xã hội ngày càng thiếu những công nhân lành nghề, thậm chí học CĐ nghề vẫn có lương cao hơn tốt nghiệp ĐH.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đông - đại diện trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội (HNET) cho biết có nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự nghi ngại với việc học cao đẳng liệu ra trường có làm được việc hay không, khi mà chính sinh viên đại học còn gặp khó khăn, thậm chí lúng túng khi bắt đầu làm việc.
"Trong thực tế tại HNET, sinh viên cao đẳng đang được trao cho cơ hội học tập năng động, thực tiễn hơn, thời gian rút gọn và sớm vào nghề hơn. Sau khi ra trường các em có thể lựa chọn đi làm một vài năm để củng cố kinh nghiệm hoặc vừa làm vừa học liên thông nhận bằng đại học. Kết thúc chương trình đại học hay cao đẳng, các em vừa có bằng cấp, vừa có 2 – 3 năm kinh nghiệm để ứng tuyển vào các công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao, sẽ đáp ứng được nhu cầu của các công ty tuyển dụng cũng như phù hợp với trình độ, năng lực của các em".
Hiện nay, các trường ĐH hay CĐ nghề thường áp dụng 2 hình thức tuyển sinh chính gồm: xét tuyển điểm thi THPT và xét tuyển bằng học bạ THPT. Đối với hình thức xét tuyển bằng học bạ, nhà trường xét tuyển bằng kết quả học tập lớp 12 hoặc học kỳ 1 lớp 12. Trong bối cảnh chung là ngày càng cạnh tranh một cách khốc liệt nhất để tuyển đủ chỉ tiêu, việc tính toán để phục vụ tốt nhất công tác tuyển sinh là mục tiêu đầu tiên của tất cả các trường.
Về những đổi mới trong công tác tuyển sinh tại các trường nghề trong năm 2021, TS Lâm Thành Hiển - quyền hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng cho biết, nhằm thu hút thí sinh nhiều trường đã có nhiều cam kết cho quá trình học tập sau này của sinh viên như: hỗ trợ học phí khi xét tuyển sớm, hỗ trợ ký túc xá, cam kết đảm bảo đầu ra theo chương trình đào tạo của trường. Hằng năm, trường còn hỗ trợ vé xe buýt đưa sinh viên về quê đón Tết.
Trong khi đó tại các doanh nghiệp, khi được hỏi về việc tuyển các công nhân viên trực tiếp tại các trường ĐH hay CĐ nghề thì các doanh nghiệp đều khẳng định việc liên kết với các trường nghề để tuyển sinh và đào tạo sinh viên là xu hướng của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cần các công nhân, kỹ sư lành nghề. Các doanh nghiệp liên kết với các trường không chỉ đảm bảo đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp mà còn trực tiếp tham gia tư vấn về các nội dung giảng dạy trong nhà trường, nhằm đảm bảo sinh viên được đào tạo đúng với thực tế, có thể bắt kịp ngay công việc sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phần mềm, giáo dục, khách sạn nhà hàng, đào tạo về ô tô...
Ông Lê Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và đào tạo ô tô (ACT) chia sẻ: “Sau quá trình trao đổi định hướng và làm việc chi tiết, chúng tôi đặt niềm tin vào chất lượng đào tạo, triết lý giáo dục của trường mà chúng tôi ký hợp tác. Ngành quản trị bán hàng được dự đoán sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của tương lai, đi cùng kế hoạch mở rộng của các ngành dịch vụ và kinh tế thị trường, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng tăng. Chúng tôi luôn chào đón các em sinh viên đến thực tập tại công ty và xa hơn nữa là trở thành nhân viên chính thức của công ty sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp, những học sinh có thành tích làm việc tốt sẽ được trả lương và có quyền lợi ngang như các nhân viên bán thời gian, nhân viên thời vụ tại công ty".
Hiện nay, phần lớn các thông tin tuyển dụng đều yêu cầu người có kinh nghiệm. Bởi vậy không ít sinh viên mới ra trường sẽ gặp khó khăn hoặc phải chấp nhận đi làm không công để lấy kinh nghiệm nếu muốn xin được việc làm tốt hơn. Khi được hỏi về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp chia sẻ lý do họ không muốn lựa chọn sinh viên mới tốt nghiệp vào làm bởi hầu như các kiến thức các em học ở trường còn xa rời thực tế. Muốn có nhân viên “được việc” ngay, doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian, công sức để đào tạo lại kiến thức, kỹ năng, thái độ. Với đặc thù trường dạy nghề, việc các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo sẽ giúp sinh viên được học những kiến thức bám sát thực tế nhất.
Em Nguyễn Tiến Linh (trường THPT Nguyễn Tất Thành, Thanh Hóa) cho biết: "Qua tìm hiểu, em thấy xã hội hiện nay đa số các bạn đều mong muốn ra trường là có việc làm luôn. Chính vì thế việc chọn các trường ĐH, CĐ nghề là phù hợp với những người có học lực trung bình cũng như kinh tế với gia đình chúng em. Việc em đăng ký khoa kỹ thuât ô tô, cơ khí cũng đúng với mong muốn của mẹ em. Khi học không quá tốn kém mà ra trường lại có việc luôn, trong lúc học vừa có thể vừa học vừa làm, có kinh nghiệm lại phụ giúp thêm được cho gia đình. Sau này có điều kiện cũng sẽ tiện học liên thông lên đại học, phù hợp với bản thân hơn”.
Trước đó, các Sở GD-ĐT các tỉnh thành đã có những chỉ đạo cho các trường THPT tăng cường công tác hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh cho học sinh khối 12 ngay sau khi các em trở lại trường tiếp tục chương trình học kỳ 2 của năm học. Ngoài những tiết ngoại khóa của trường liên quan đến hướng nghiệp, Sở tạo điều kiện để các trường THPT phối hợp với các trường ĐH,CĐ thực hiện chương trình đưa học sinh đến tham quan một số trường ĐH,CĐ. Với thông tin về tuyển sinh và hướng nghiệp ngày càng dễ dàng tiếp cận, chúng tôi tin rằng, việc chọn ngành nghề của học sinh sẽ ngày càng thuận tiện và phù hợp với các em hơn.