Đại dịch COVID-19 khiến hơn 100 triệu trẻ em trên thế giới bị mù chữ
Giáo dục - Ngày đăng : 12:54, 29/03/2021
Một nghiên cứu mới được cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc công bố ngày 26.3.
Theo nghiên cứu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Sau một năm COVID: Ưu tiên khôi phục giáo dục để tránh thảm họa cho thế hệ sau, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, số lượng trẻ em biết đọc chữ đang có xu hướng đi xuống.
Vào năm 2020, con số là 460 triệu trẻ em gặp khó khăn trong việc đọc thì bây giờ đã tăng lên 584 triệu. Cơ quan này cho biết, mức tăng hơn 20% này đã xóa sổ thành quả giáo dục đạt được trong hai thập kỷ qua.
Mất đi nơi học tập
Báo cáo cho biết kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19, các trường hợp đóng cửa trường học hoàn toàn hay nửa chừng đã làm gián đoạn việc học của trẻ trong khoảng 25 tuần, trong đó, tổn thất giáo dục cao nhất được dự đoán là ở Châu Mỹ, vùng Caribe, Trung và Nam Á.
Nghiên cứu Sau một năm COVID phát hiện ra rằng việc khôi phục nền giáo dục trở lại trước thời kỳ đại dịch có thể mất đến một thập kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc khôi phục có thể đạt được vào năm 2024 "nếu có những nỗ lực đặc biệt nhằm mở ra các lớp học bồi dưỡng và chiến lược bắt kịp trong học tập".
Theo dữ liệu mới từ một cuộc khảo sát tổng hợp do UNESCO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thực hiện, chỉ có một phần tư số học sinh đang được học các lớp học bồi dưỡng.
Mở ra những cánh cửa
Các quốc gia đang thực hiện các biện pháp để duy trì việc mở cửa trường học.
Báo cáo cho thấy các trường học hiện ở 107 quốc gia đã mở cửa hoàn toàn, chủ yếu ở Châu Phi, Châu Á và Châu Âu, phục vụ 400 triệu học sinh từ tiểu học đến trung học.
Trong khi đó, 30 quốc gia vẫn đang đóng cửa trường học ảnh hưởng đến khoảng 165 triệu học sinh.
Đồng thời, các trường học ở 70 quốc gia mở cửa một phần ở các khu vực khác nhau, dành cho một số cấp lớp, hoặc với tỷ lệ đi học trực tiếp giảm, điều này ảnh hưởng đến 2/3 dân số học sinh toàn cầu, lên đến gần một tỉ học sinh.
UNESCO kêu gọi mở cửa trường học, hỗ trợ cho giáo viên và ngăn học sinh bỏ học
Để giải quyết cái mà UNESCO đã gọi là “thảm họa cho thế hệ sau”, tổ chức này đang kêu gọi các trường học mở cửa trở lại với nhiều hỗ trợ hơn cho giáo viên; các sáng kiến để ngăn học sinh bỏ học và giúp gia tăng khả năng tiếp cận các công cụ học tập trực tuyến.
Mặc dù việc khôi phục giáo dục phải ưu tiên cho trường học để giảm thiểu tỷ lệ bỏ học và mất mát trong học tập, ước tính cho thấy 65% chính phủ ở các nước thu nhập thấp đã giảm kinh phí cho ngành giáo dục, so với 35% ở các nước có thu nhập cao.
Trong khi các kế hoạch tài chính có thể cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho việc học, UNESCO tính toán rằng chỉ có 2% các gói kích cầu kinh tế sẽ sử dụng tiền cho ngành giáo dục.
Ưu tiên khôi phục giáo dục
Vào ngày 29.3, UNESCO có một cuộc họp cấp cao với các bộ trưởng giáo dục từ khắp nơi trên thế giới để đánh giá sự gián đoạn trong giáo dục do COVID-19 gây ra và tìm ra các giải pháp về cách ưu tiên khôi phục giáo dục nhằm tránh gây ra thảm họa cho thế hệ sau.
Sự kiện cấp cao cũng sẽ giới thiệu những thành tựu của Liên minh Giáo dục Toàn cầu của UNESCO và chia sẻ báo cáo tiến độ đầu tiên của tổ chức này.
Được ra đời một năm trước nhằm hỗ trợ cho việc học tập, Liên minh có 170 đối tác công, tư và xã hội dân sự ở khoảng 100 quốc gia.
Theo UNESCO, có ít nhất 400 triệu học sinh và 12 triệu giáo viên đang hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ các hoạt động của Liên minh, bao gồm quyền truy cập vào các nền tảng trực tuyến mới được thiết lập, tài nguyên giáo dục, chương trình đào tạo và các bài giảng được kỹ thuật số hóa.