Thủ tướng Thái Lan miễn cưỡng nhận hàng ngàn người vượt biên, phủ nhận hỗ trợ quân đội Myanmar
Quốc tế - Ngày đăng : 16:59, 29/03/2021
"Chúng tôi không muốn có một cuộc di cư vào lãnh thổ của mình, nhưng chúng tôi cũng phải quan tâm đến nhân quyền. Chúng tôi đã chuẩn bị một khu vực cho dòng người. Tổ chức các trung tâm tạm trú hoặc tị nạn - chúng tôi chưa bàn về điều đó", ông Prayuth Chan-ocha cho biết hôm 29.3.
Nhiều người đã chạy khỏi Myanmar khi quân đội tăng cường đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
"Dân làng đang ẩn náu trong rừng khi hơn 3.000 người vượt biên sang Thái Lan để lánh nạn", tổ chức phụ nữ Karen cho biết.
Bang Kayin, trước đây là bang Karen, có chung đường biên giới với các tỉnh Kanchanaburi, Tak và Mae Hong Son ở tây bắc Thái Lan.
Một cuộc không kích của quân đội Myanmar được thực hiện hôm 29.3 nhắm vào Liên minh Quốc gia Karen, một trong những nhóm vũ trang độc lập lớn nhất Myanmar. Vụ ném bom được coi là đòn trả đũa của quân đội Myanmar cho việc nhóm vũ trang này đã tấn công một căn cứ quân sự ở bang Kayin. Cuộc không kích lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính vào ngày 1.2 khiến dân làng sợ hãi, những người vốn đã lo ngại về bạo lực quân sự.
Theo truyền thông địa phương, ít nhất 114 thường dân đã thiệt mạng vào Ngày Lực lượng Vũ trang (27.3).
Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền, mô tả đó là "vụ giết người hàng loạt". Ông Andrews kêu gọi các quốc gia trên thế giới gây thêm áp lực lên quân đội Myanmar.
Hôm 27.3 là ngày đẫm máu nhất khi quân đội Myanmar kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang, sự kiện thường niên.
Trong khi Tổng tham mưu trưởng 12 quốc gia (Mỹ, Úc, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh) ra tuyên bố lên án việc quân đội Myanmar dùng bạo lực với công dân, đại diện Thái Lan đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang cùng quan chức từ 7 nước khác.
Theo nhiều người, sự tham dự của Thái Lan tại buổi lễ đã gửi thông điệp có thể được hiểu là ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar.
Thế nhưng, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phản bác điều này khi nói: "Thái Lan hỗ trợ quân đội Myanmar ở đâu? Tôi không hiểu. Có lẽ không có ai ủng hộ việc sử dụng bạo lực đối với người dân”.
Kể từ năm ngoái, Thái Lan đã tăng cường tuần tra biên giới để ngăn chặn người Myanmar tràn qua, cho rằng đó là biện pháp chống coronavirus.
Không rõ liệu các cuộc tuần tra như vậy có được nới lỏng hay không, nhưng nhiều người cho rằng sự thay đổi thái độ đột ngột của ông Prayuth Chan-ocha là động thái để chống lại sự chỉ trích từ quốc tế.
Thêm 5 người biểu tình ở Myanmar tử vong
Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết 5 người biểu tình hôm 29.3, 3 trong số đó ở thành phố Yangon khi nhà hoạt động kêu gọi các lực lượng dân tộc thiểu số ở quốc gia này ủng hộ chiến dịch chống lại sự cai trị của quân đội.
Sau ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính với 114 người chết hôm 27.3, hàng ngàn người đã xuống đường ở các thị trấn trên khắp đất nước, quyết tâm thể hiện sự phản đối quân đội nắm chính quyền.
Một người đàn ông đã thiệt mạng và một số người bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng trong khu phố ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Nhân chứng Thiha Soe kể với Reuters: “Anh ta bị bắn vào đầu. Họ đã bắn vào mọi thứ trên đường, thậm chí cả một đội Chữ thập đỏ. Nó vẫn đang diễn ra khi tôi đang nói chuyện với bạn".
Cảnh sát và một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc gọi tìm kiếm bình luận. Hội Chữ thập đỏ Myanmar cho biết đang kiểm tra báo cáo.
Hai người khác đã chết ở một quận khác của Yangon khi lực lượng an ninh di chuyển đến để giải tỏa các rào cản của người biểu tình.
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng hai người đã bị giết trong phường của chúng tôi. Khoảng 15 thành viên của lực lượng an ninh đã đến và bắn xung quanh”, một cư dân của khu phố South Dagon nói, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng an ninh sử dụng lựu đạn để giải tỏa các chướng ngại vật.
Dựa trên cuộc kiểm đếm của nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, 464 thường dân đã thiệt mạng tính đến nay kể từ cuộc đảo chính.
Bất chấp bị quân đội đàn áp, đám đông vẫn xuất hiện ở các thị trấn trung tâm Bago, Minhla, Khin-U, Pinlebu và Taze, Mawlamyine ở phía nam, Demoso tại phía đông, Hsipaw và Mytitkyina ở phía bắc, theo các bài đăng trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Ủy ban tổng đình công của các dân tộc, nhóm phản đối đảo chính, đã kêu gọi các lực lượng dân tộc thiểu số giúp đỡ những người đứng lên chống lại "sự áp bức bất công" của quân đội.
“Các tổ chức vũ trang dân tộc phải bảo vệ người dân một cách tập thể”, nhóm biểu tình viết trên Facebook.
Quân nổi dậy từ các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau ở Myanmar đã chiến đấu với chính quyền trung ương trong nhiều thập kỷ để giành quyền tự chủ lớn hơn. Dù nhiều nhóm đã đồng ý ngừng bắn, giao tranh vẫn bùng phát trong những ngày gần đây giữa quân đội với các lực lượng ở cả phía đông và phía bắc.
Các cuộc đụng độ lớn nổ ra vào cuối tuần gần biên giới Thái Lan giữa quân đội và các chiến binh thuộc lực lượng dân tộc thiểu số lâu đời nhất của Myanmar, Liên minh Quốc gia Karen.
Khoảng 3.000 dân làng chạy sang Thái Lan khi máy bay phản lực quân sự ném bom vào căn cứ Liên minh Quốc gia Karen, giết chết 3 dân thường. Động thái này diễn ra sau khi Liên minh Quốc gia Karen tràn qua một tiền đồn quân đội và giết chết 10 người.