Bộ GD-ĐT giải thích cụ thể về việc dạy văn hóa trong trường nghề

Giáo dục - Ngày đăng : 18:43, 29/03/2021

Trước thông tin về việc năm 2021 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được phép tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên hệ THPT, điều này khiến nhiều học sinh học nghề lo lắng về vấn đề tuyển sinh.

Những năm gần đây, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học song song văn hóa và kỹ năng nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề (còn được gọi là mô hình 9+). 9+ là mô hình các em học sinh tốt nghiệp THCS nhưng sau đó không học cấp 3 tại trường công mà vào học văn hóa và nghề tại các trường nghề. Vấn đề ở chỗ, khi các em muốn thi tốt nghiệp THPT phải về các trung tâm giáo dục thường xuyên để học văn hóa.

truong-nghe-1-1616157348763811707952.png
Các học sinh học trường nghề sẽ rất khó hoàn thành 2 mục tiêu kép là giỏi nghề và hoàn thành văn hóa trong kỳ thi THPT chỉ với 3 năm

Trong khi đó, nhiều trường nghề đã bố trí đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để có thể học văn hóa ngay tại đây. Như vậy, nguy cơ lãng phí một nguồn lực rất lớn đang đặt ra cho các trường nghề. Việc không học văn hóa ngay tại trường nghề mà muốn được dự thi tốt nghiệp THPT thì phải về các trung tâm giáo dục thường xuyên để học, quy định này đang đẩy học sinh và nhiều trường vào thế khó. Trong trường hợp phải dừng dạy văn hóa, các trường sẽ liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Trước vấn đề băn khoăn trên, ngày 29.3, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng vụ giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) đã cho biết: Luật giáo dục 2005, Luật giáo dục sửa đổi 2009 và Luật Dạy nghề 2006 quy đinh: Giáo dục nghề nghiệp gồm có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó dạy nghề có 3 trình độ là: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Giáo dục đại học gồm các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Chương trình khung về đào tạo trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT ban hành đã có có quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1.7.2015, nhưng để bảo đảm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng trong giai đoạn 2015-2019, Bộ GD-ĐT chưa có đủ cơ sở khoa học để ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Vì thế tới ngày 23.6.2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn về việc phối hợp một số hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp. Trong đó đã hướng dẫn: cho phép các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức giảng dạy và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để có thể học lên trình độ cao đẳng. Và cũng theo luật giáo dục năm 2019 và luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014, các trường nghề được tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Hiện, Bộ GD-ĐT đã và đang soạn thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự kiến Thông tư này sẽ ban hành trong năm 2021 để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hoàng Đức Minh khẳng định.

unnamed.jpg
Ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng vụ giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT)

Ông Minh cũng khẳng định khi học sinh học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc tỉnh, thành đó sẽ cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh đó. Trường hợp người học không dự thi tốt nghiệp THPT, hoặc thi không đạt yêu cầu thì người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Như vậy, theo quy định tại Luật giáo dục 2019, chỉ có trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

“Thực tế tại địa phương, phần lớn các cơ sở giáo dục đã và đang thực hiện thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Nhưng cũng có một số trường trung cấp và trường cao đẳng tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT không đúng quy định của pháp luật nên Bộ GD-ĐT mới phải ra công văn để hướng dẫn, chấn chỉnh lại.

Ngày 31.7.2020, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 2857/BGDĐT-GDTX hướng dẫn tổ chức dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án xử lý phù hợp bảo đảm quyền lợi cho người học theo các quy định hiện hành của pháp luật”, ông Hoàng Đức Minh lý giải cụ thể.

Trước đó, trao đổi với báo chí, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho biết việc dạy và học song song trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là rất khó khi trường đề ra 2 mục tiêu hoàn thành là: giỏi nghề và thi tốt nghiệp THPT trong 3 năm. Điều đó sẽ dẫn đến cả 2 không đạt yêu cầu về chất lượng, hoặc chỉ có thể đảm bảo được 1 vấn đề. Chưa kể đến việc học các môn văn hóa trong trường nghề cần có điểm khác biệt khi học trong chương trình giáo dục phổ thông hay giáo dục thường xuyên. Đặc biệt các môn như: Toán, Lý, Hóa, Sinh... ở trường nghề sẽ gắn với nghề nghiệp cụ thể các học sinh giáo dục thường xuyên theo học như: điện, cơ khí... chứ không chỉ dừng ở mức lý thuyết như các bạn học sinh THPT khác.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung