‘Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:05, 30/03/2021
Tối 30.3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trao đổi trực tuyến với ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn đề biến đổi khí hậu.
Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và cùng có lợi.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh việc chính quyền Tổng thống Biden tăng cường cam kết và thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
“Là một trong 7 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, với chủ trương mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, Việt Nam đã, đang và sẽ ủng hộ các cam kết quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các nước để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, trong đó có tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Ông John Kerry khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên cũng đã trao đổi về tình hình triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như như triển vọng hợp tác song phương Việt Nam-Mỹ trên các lĩnh vực, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mỹ mời Việt Nam và 39 nước tham gia hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu
Hôm 26.3, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đã mời các nhà lãnh đạo 40 nước tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu toàn cầu vào ngày 22 - 23.4.
Hội nghị thượng đỉnh đúng vào Ngày Trái đất về biến đổi khí hậu toàn cầu là một phần nỗ lực của ông Biden nhằm coi chống biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu. Hội nghị sẽ được tổ chức bất chấp đại dịch COVID-19 và sẽ được phát trực tiếp để công chúng xem.
Nhà Trắng cho biết mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh vào Ngày Trái đất và cuộc họp riêng tại thành phố Glasgow (Scotland) vào tháng 11 tới sẽ là thúc đẩy nỗ lực duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C.
Nhà Trắng nói ông Biden đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới sử dụng hội nghị thượng đỉnh như cơ hội để vạch ra cách các quốc gia sẽ đóng góp vào việc giảm lượng khí thải.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ quy tụ 17 quốc gia chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu và GDP toàn cầu.
Theo trang web Nhà Trắng, danh sách khách mời gồm 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Colombia, Chile, Israel, Ả Rập Xê Út, UAE, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Congo, Gabon, Jamaica.
Các chủ đề chính của hội nghị sẽ bao gồm:
- Cổ vũ những nỗ lực của các nền kinh tế lớn trên thế giới nhằm giảm lượng khí thải trong suốt thập kỷ quan trọng này nhằm duy trì giới hạn sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C.
- Huy động tài chính của khu vực công và tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi net-zero (mục tiêu khí nhà kính bằng 0) và giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với các tác động của khí hậu.
- Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo việc làm và tầm quan trọng của việc đảm bảo tất cả cộng đồng cùng người lao động được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch mới.
- Thúc đẩy các công nghệ chuyển đổi có thể giúp giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế mới to lớn và xây dựng các ngành công nghiệp của tương lai.
- Thúc đẩy các tổ chức địa phương và phi nhà nước cam kết phục hồi xanh và tầm nhìn công bằng để hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C, đồng thời đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ quốc gia để thúc đẩy tham vọng và khả năng phục hồi.
- Thảo luận về các cơ hội để tăng cường năng lực bảo vệ cuộc sống và sinh kế khỏi tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra...