Sự hưng phấn của thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:04, 31/03/2021

Theo TS Cấn Văn Lực, sự hưng phấn của TTCK Việt Nam thời gian qua tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thiếu sự kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực.

Vào Top 10 thị trường phục hồi và tăng trưởng tốt nhất thế giới

Tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" diễn ra sáng 31.3, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, vượt qua những thách thức của đại COVID-19, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong năm 2020, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng khẳng định vị trí top 10 thị trường phục hồi và tăng trưởng tốt nhất thế giới năm 2020.

can-van-luc-2.jpg

Theo đó, quy mô, khối lượng giao dịch ngày càng lớn sau 20 năm phát triển tạo dư địa tăng trưởng bền vững. VN-Index đã lập đỉnh lịch sử 1.200.94 điểm (ngày 18.3.2021) với mức phục hồi 67% từ đáy tháng 3.2020; giá trị giao dịch lên mức kỷ lục 15.000 - 18.000 tỉ đồng/phiên; số tài khoản trong nước mở mới trong năm 2020 gần 400.000, tăng 109% so với năm 2019 và bằng cả giai đoạn 2011-2019 cộng lại.

Vốn hóa TTCK cuối năm 2020 tăng gấp 232 lần năm 2000 đạt 231,5 tỉ USD (bằng 116%GDP). Các DN niêm yết ngày càng tăng trưởng về chất và lượng, từ chỗ chỉ có 2 DN niêm yết năm 2000, số lượng DN niêm yết đã lên tới 1.783 DN năm 2020 (bao gồm cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên 3 sàn HSX, HNX và UPCOM).

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng là nền kinh tế có độ mở lớn, TTTC thế giới nói chung và TTCK Việt Nam đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự phục hồi chưa thực sự của kinh tế và TTTC toàn cầu cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo đó, có 4 hạn chế, thách thức chính đối với TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, đà phục hồi của nền kinh tế và TTTC toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức đà tăng trưởng bền vững của TTCK.

Đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp khó lường trên toàn cầu, vấn đề sản xuất và phân phối vắc xin còn chậm đến các nước đang phát triển.

Mặc dù nguy cơ bong bóng TTCK toàn cầu và TTCK Việt Nam nói riêng khó xảy ra, song không thể loại trừ nguy cơ sụt giảm, đảo chiều trước khi thực sự hồi phục bền vững và các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu được kiểm soát.

Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của TTCK vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực bởi các rủi ro như: xu hướng bảo hộ thương mại, gia tăng cạnh tranh chiến lược; căng thẳng thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn leo thang và khó đoán…

Ở nội tại nền kinh tế, ông Lực cho rằng Việt Nam vẫn đang đối diện với 5 thách thức lớn: Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh chưa cao, tái cơ cấu còn chậm và chưa đi vào chiều sâu; Sức ép cạnh tranh, sức ép cải cách, rủi ro pháp lý… trong quá trình hội nhập; Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng) còn chưa đạt kỳ vọng; Vấn đề già hóa dân số ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực; Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường khi Việt Nam là một trong 6 nước bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm môi trường tăng.

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sự hưng phấn của TTCK Việt Nam thời gian qua tiềm ẩn một số rủi ro bởi thiếu sự kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực (TTCK tăng mạnh trong khi kinh tế tăng trưởng thấp, DN khó khăn, phá sản tăng).

“Đà tăng của TTCK chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mới nổi và hưởng lợi chính sách trong khi cổ phiếu của nhiều ngành đang gặp khó khăn vẫn giảm khá mạnh như du lịch và giải trí, ô tô và phụ tùng, điện nước và xăng dầu khí đốt…”, ông Lực nêu.

Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu và có thể bộc lộ rõ hơn (nợ xấu nội bảng dự báo có thể ở mức 3% và nợ xấu gộp có thể lên đến 4,5 - 5% cuối năm 2021) bởi tác động của dịch bệnh đối với hệ thống các TCTD có độ trễ, DN và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, TTCK đã trở nên đắt đỏ hơn, nhiều cổ phiếu được định giá cao so với các giá trị cơ bản. Chỉ số giá so với lợi nhuận (P/E) đến ngày 25.3.2021 của nhiều TTCK toàn cầu đang ở mức rất cao (lên tới 30 - 60 lần).

Ông Lực cũng cho rằng nền tảng nhà đầu tư chưa thực sự bền vững (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới (F0), thiếu chuyên nghiệp), dòng tiền rẻ "mỏng và lỏng" có thể rút ra nhanh chóng; tâm lý bầy đàn vẫn còn.

can-van-luc-3.png
Quang cảnh cuộc tọa đàm - Ảnh: LT

Đồng thời, hạn chế về hạ tầng, công nghệ chưa theo kịp dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, tạm ngừng giao dịch, ảnh hưởng niềm tin vào thị trường. Ngoài ra, rủi ro áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng và các nước giảm dần các gói nới lỏng định lượng, khiến rủi ro dòng vốn đảo chiều, giảm thanh khoản là hiện hữu.

Tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao

Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đánh giá quy mô, sức cạnh tranh của TTCK Việt Nam còn thấp so với khu vực. Cùng với đó, TTCK vẫn còn những hạn chế như tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao: Năng lực của các công ty niêm yết còn thấp, các yêu cầu quản trị công ty theo thông lệ tốt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một TTCK phát triển; CTCK còn hạn chế về công nghệ, nhân lực chất lượng cao…

Theo ông Lực, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xu thế phát triển xanh trở thành tất yếu. Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống pháp luật về tài chính xanh đã được quan tâm xây dựng.

Tuy nhiên, tài chính xanh Việt Nam chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển và vẫn đang đối diện với nhiều thách thức như hệ thống pháp luật về tài chính xanh còn sơ khai; lượng vốn tín dụng xanh khá lớn trong khi hiệu quả tài chính chưa cao…

Bên cạnh đó, ta chưa phát triển trái phiếu doanh nghiệp và các công cụ nợ xanh; chưa chú trọng phát triển thị trường cổ phiếu xanh và thị trường trái phiếu xanh bao gồm có người phát hành, nhà đầu tư, cơ chế điều tiết và tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các công cụ huy động vốn xanh, các chỉ số chứng khoán xanh; ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường và phát triển tài chính xanh còn hạn chế…

Cần chú trọng phát triển theo chiều sâu

TS Cấn Văn Lực khuyến nghị cần phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài.

Cụ thể, cần hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và xu thế tài chính số; sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Luật Chứng khoán sửa đổi 2019.

Song song với đó, phát triển sản phẩm trên nền tảng số, sản phẩm phái sinh và công cụ quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất; đa dạng hóa các loại hình trung gian tài chính như quỹ hưu trí tự nguyện/tư nhân, quỹ đầu tư bất động sản.

Đồng thời, nâng cấp hạ tầng CNTT và cơ sở dữ liệu thị trường (vận hành hệ thống giao dịch mới, xử lý tình trạng nghẽn lệnh, sự cố kỹ thuật); Triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE (phấn đấu tới năm 2023) góp phần khơi thông dòng vốn ngoại và tăng niềm tin, sự hứng khởi cho dòng vốn nội…

Chuyên gia Lực cũng cho rằng cần chú trọng xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính-tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng TTCK (hệ thống cảnh báo sớm, cơ chế xử lý bong bóng tài sản, bong bóng chứng khoán…

Cùng với đó là hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên TTCK; tăng cường phối hợp quốc tế trong xây dựng các cam kết chung, khung pháp lý liên quan đến hoạt động tài chính số, ngân hàng số, kinh tế số…

Một giải pháp nữa là chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính chuyên nghiệp nhà đầu tư trên TTCK (đặc biệt đầu tư cá nhân); tăng cường vai trò của đại lý đầu tư, tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ mở.

“Bản thân các nhà đầu tư cá nhân cần trở thành nhà đầu tư thông thái bằng kiến thức, năng lực thực chất; xác định rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro, đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm đòn bẩy tài chính, tránh tâm lý bầy đàn…”, ông Lực nêu.

Hoài Lam