Sau Thủ Đức, TP.HCM muốn có thêm một thành phố trong lòng thành phố
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:09, 31/03/2021
Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh định hướng chiến lược để kinh tế TP.HCM cất cánh trong tương lai cũng đã xác định dồn lực phát triển về phía vịnh Cần Giờ. Cụ thể, vùng vịnh Cần Giờ sẽ được phát triển kinh tế biển theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và bền vững tiềm năng và động lực phát triển, liên kết vùng kết nối với các tỉnh lân cận, lan tỏa các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, từng bước liên kết với các nước trong khu vực và quốc tế.
Theo ông Hoan, vai trò kinh tế biển trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế, hiện nay TP.HCM và Vùng TP cần định vị lại vị thế cạnh tranh, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao dựa trên điều kiện, tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng và của TP.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan hy vọng, TP.HCM và Vùng TP có bước đột phá trong hành trình vươn ra biển lớn và cùng hội nhập phát triển cùng thời đại. Do đó, mô hình phát triển trong tương lai của TP cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của TP, trong đó xác định biển Cần Giờ trong mối quan hệ vùng, là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP và Vùng TP.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng kinh tế biển - đô thị biển là động lực phát triển mới của TP.HCM. TP.HCM có Cần Giờ tiếp giáp biển với 42.000km² mặt nước biển là tiền đề để phát triển. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng khuyến cáo, khi phát triển theo hướng này, TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề môi trường, kết nối hạ tầng. Việc liên kết với các địa phương để cùng phát triển, tạo thành kinh tế tuần hoàn với TP.HCM giữ vai trò hạt nhân, là vô cùng cần thiết.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết cả nước có hơn 3.600km bờ biển, có 28/63 tỉnh thành tiếp giáp với biển, các địa phương tiếp giáp biển có vốn FDI chiếm 58,2%, xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ 36,6%, số lượng doanh nghiệp chiếm 58% doanh nghiệp cả nước… Số liệu trên cho thấy những địa phương tiếp giáp biển có vai trò rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. TP.HCM từ nhiều năm nay luôn thể hiện vai trò đầu tàu trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên kinh tế biển chưa được phát triển đúng tiềm năng do đó hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia “hiến kế” cho TP.HCM có giải pháp phát triển tốt trong thời gian tới.
GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một luồng ủng hộ phát triển đô thị Cần Giờ, một luồng không ủng hộ vì cho rằng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường khu vực này. Tuy nhiên, không vì không đảm bảo điều kiện phát triển bền vững mà dừng lại - chúng ta cần nghiên cứu để phát triển bền vững hơn. Tài nguyên đất giờ đã quá cạn kiệt, do đó chúng ta phải hướng ra biển, phát triển trên biển như phát triển trên đất liền. Bây giờ nhiều nước đã sản xuất nông nghiệp trên biển, làm năng lượng tái tạo từ sóng biển, thủy triều…
TS Võ Kim Cương đồng tình với chiến lược phát triển kinh tế biển, đô thị biển của TP.HCM, nhưng cần có sự liên kết vùng để phát triển kinh tế biển cho TP.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững cho rằng Vùng TPHCM có vị trí chiến lược, nằm trên tuyến giao thông xuyên Á và là cửa ngõ tiềm năng kết nối với cảng Busan (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).
Theo PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ gồm 8 tỉnh gần như tạo thành một "bát giác kim cương", ôm lấy lõi tự nhiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000 ha. Do vậy, vùng đô thị - cảng biển quốc tế này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị biển mặt tiền Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công
Tiếp thu ý kiến các chuyên gia, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan kết luận, TP sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, quản lý, người dân để từ đó xác định mô hình phát triển, bổ sung vào quy hoạch. Đặc biệt, ông nêu ý kiến TP.HCM sẽ xây dựng Cần Giờ thành thành phố du lịch và sinh thái; phát triển Cần Giờ thành “thành phố” chứ không lên “quận”, vì nơi này có những tiêu chí thuận lợi hơn.