Cơ hội mới cho sản phẩm vải thiều của Việt Nam chinh phục thế giới
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:05, 31/03/2021
Chiều 31.3, tại Họp báo thường kỳ quý 1/2021 của Bộ KH-CN, Chánh văn phòng Bộ KH-CN Nguyễn Mai Dương cho biết thời gian qua, Bộ đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản.
"Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; là dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau", Chánh văn phòng Bộ nhận định.
Để kịp đưa vải thiều sang Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Bắc Giang và Công ty Concetti tìm kiếm các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu và đánh giá các chỉ tiêu này theo yêu cầu của phía Nhật Bản để chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn có thể được bảo hộ tại Nhật Bản trong vụ vải 2021.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ bày tỏ niềm vui mừng khi sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại đất nước mặt trời mọc bởi đây gần như là giấy thông hành cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Theo chia sẻ của ông Bảy tại buổi họp báo, để vào được thị trường Nhật Bản, các loại sản phẩm phải trải qua quá trình kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Hiện việc đăng ký chỉ dẫn địa lý này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi sau khi nhận hồ sơ, phía Nhật Bản đã cử chuyên gia trực tiếp đến vùng trồng vải Lục Ngạn để kiểm tra chi tiết về chất lượng cây, quả, quy trình quản lý...
Được biết, vải thiều Lục Ngạn có vị ngọt đậm hơn so với vải tại các vùng canh tác khác của Việt Nam; trọng lượng của vải Lục Ngạn nặng hơn ít nhất 10%, giá trị Brix trung bình của vải thiều Lục Ngạn cao hơn khoảng 2-3% so với vải thiều ở các vùng canh tác khác ở Việt Nam; hàm lượng đường tổng trung bình cao hơn khoảng 2-5%.
Vải thiều Lục Ngạn có đặc tính quả to, vị ngọt đậm nhờ vị trí vùng trồng vải nằm ở “phần lõm” của cánh cung Đông Triều, ít chịu ảnh hưởng của mưa bão lớn, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch cao, người dân sử dụng kỹ thuật canh tác truyền thống khoanh (siết) cành để kích thích ra hoa...
"Qua đây, phía Cục Sở hữu trí tuệ rút ra được nhiều kinh nghiệm, đồng thời tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm khác của Việt Nam đi vào thị trường nước ngoài", ông Bảy nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Bảy, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn là UBND tỉnh Bắc Giang nhưng Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ động cùng tham gia thực hiện, tổ chức đợt truyền thông rộng rãi về sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, trực tiếp gửi các bài đến Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới...
Cũng tại buổi Họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng Bộ cũng thông tin thêm rằng sắp tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục thúc đẩy sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột và thanh long Bình Thuận để các sản phẩm này sớm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài.
Theo kế hoạch, dự kiến trong quý 2/2021, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH-CN, Bộ KH-CN sẽ tổ chức nhiều sự kiện. Cụ thể là chuỗi sự kiện kỷ niệm hoạt động ngày KH-CN Việt Nam 18.5 (các sự kiện, hoạt động về KH-CN do Bộ KH-CN, các bộ, ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp... tổ chức); Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu; Lễ trao giải thưởng Báo chí về KH-CN; Lễ trao giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2019-2020.
Ngoài ra còn có Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5.3.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Tổ chức các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH-CN đợt 6...