Quân đội độc lập Kachin giết 20 lính Myanmar, phá hủy 4 xe tải quân sự

Quốc tế - Ngày đăng : 12:35, 01/04/2021

Trong các cuộc đụng độ với quân đội Myanmar, nhóm nổi dậy Quân đội độc lập Kachin (KIA) giết ít nhất 20 binh sĩ và phá hủy 4 xe tải quân sự.

Các nhà hoạt động Myanmar đã đốt các bản sao của hiến pháp có khung quân sự hôm 1.4 khi đặc phái viên của Liên Hợp Quốc cảnh báo về nguy cơ xảy ra cuộc “tắm máu” vì quân đội gia tăng đàn áp những người biểu tình chống đảo chính.

Lời cảnh báo của đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar diễn ra sau khi bùng phát giao tranh giữa quân đội và nhóm dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới.

Ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng và 4 xe tải quân sự bị phá hủy trong các cuộc đụng độ với Quân đội độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất Myanmar, kênh DVB đưa tin.

quan-doi-doc-lap-kachin-giet-20-linh-pha-huy-4-xe-tai-cua-quan-doi-myanmar-hinh-anh.jpg
Quân đội độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất Myanmar

Trước đó, máy bay quân sự Myanmar đã ném bom vào các vị trí của một nhóm khác là Liên minh Quốc gia Karen (KNU) lần đầu tiên sau hơn 20 năm và hàng ngàn dân làng đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó nhiều người chạy sang Thái Lan.

Myanmar đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình gần như hàng ngày kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1.2 với cáo buộc có gian lận trong một cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020. Suu Kyi và các thành viên khác của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đang bị giam giữ.

Tại nhiều thành phố trên khắp Myanmar tiếp tục có các cuộc biểu tình thắp nến qua đêm và tuần hành vào rạng sáng ngày 1.4, theo các phương tiện truyền thông và các bức ảnh trên mạng xã hội.

Hỏa hoạn bùng phát tại hai trung tâm mua sắm ở Yangon thuộc sở hữu của các tập đoàn quân sự kiểm soát vào đêm và đầu ngày 1.4, với các bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa và cột khói.

quan-doi-doc-lap-kachin-giet-20-linh-pha-huy-4-xe-tai-cua-quan-doi-myanmar.jpg
Nhiều người tham gia diễu hành xe máy trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự, ở thị trấn Launglon, Myanmar ngày 31.3

Chính quyền quân sự đã cáo buộc Suu Kyi một số tội nhỏ nhưng có thể sớm buộc tội bà phản quốc và trừng phạt bằng cái chết, Khit Thit Media đưa tin hôm 31.3.

Reuters không thể xác nhận điều này, nhưng phiên điều trần tiếp theo trong trường hợp của bà Suu Kyi sẽ diễn ra vào 1.4.

Hôm 31.3, Suu Kyi và một trong những luật sư là Min Min Soe đã tổ chức cuộc gọi video đầu tiên kể từ khi bà bị bắt.

"Amay trông khỏe mạnh, nước da của bà ấy tốt", Min Min Soe nói qua điện thoại, sử dụng thuật ngữ Amay trìu mến có nghĩa là "mẹ" để nói về bà.

Các thành viên Quốc hội bị lật đổ, hầu hết thuộc đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia (NLD) của bà Suu Kyi, đã thề thiết lập một nền dân chủ liên bang để giải quyết nhu cầu lâu dài của các nhóm dân tộc thiểu số về quyền tự trị.

Quân đội Myanmar từ chối những đề xuất như vậy và coi mình là thể chế duy nhất có khả năng giữ đất nước lại với nhau.

Các nhà lập pháp đã thành lập một chính phủ dân sự song song, Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh (CRPH), cũng tuyên bố bãi bỏ hiến pháp năm 2008 do quân đội lập ra nhằm đảm bảo ảnh hưởng của họ.

"Ngày mới bắt đầu từ đây!", Tiến sĩ Sasa, đặc phái viên quốc tế của CRPH, cho biết trên Twitter, đề cập đến những gì hiện tại là động thái mang tính biểu tượng.

Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy các bản sao của hiến pháp hoặc mẫu mô phỏng bị đốt tại các cuộc biểu tình và tại nhà trong thời gian mà một nhà hoạt động gọi là “lễ đốt lửa hiến pháp”.

Các bộ trưởng ngoại giao nước Đông Nam Á tới Trung Quốc

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên rằng quân đội không đủ khả năng quản lý đất nước và cảnh báo tình hình trên thực tế sẽ chỉ tồi tệ hơn.

Hội đồng phải xem xét hành động quan trọng tiềm tàng để đảo ngược tiến trình của các sự kiện vì một cuộc tắm máu sắp xảy ra”, bà Christine Schraner Burgener nói.

Các tuyên bố của hội đồng cho đến nay đã bày tỏ quan ngại và lên án bạo lực chống lại những người biểu tình, nhưng đã bỏ ngôn ngữ gọi cuộc tiếp quản là đảo chính do sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và đe dọa có thể có thêm hành động.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 536 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, 141 người trong số đó vào 27.3, ngày đẫm máu nhất của tình hình bất ổn.

Mỹ hôm 31.3 thúc giục Trung Quốc, nước có lợi ích kinh tế và chiến lược quan trọng ở Myanmar, sử dụng ảnh hưởng của mình để quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính.

Trong khi các nước phương Tây lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính, Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn và nhà ngoại giao hàng đầu của nước này - Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi sự ổn định trong cuộc gặp với người đồng cấp Singapore - Vivian Balakrishnan hôm 31.3.

"Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ việc ASEAN tuân thủ nguyên tắc không can thiệp. Ccách tiếp cận của ASEAN đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự ổn định của tình hình ở Myanmar", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sau cuộc họp.

Trong dấu hiệu của chính sách ngoại giao con thoi được đẩy mạnh, các bộ trưởng ngoại giao của Malaysia, Indonesia và Philippines cũng sẽ gặp ông Vương Nghị tại Trung Quốc trong tuần này.

ASEAN, trong đó Myanmar là thành viên, cam kết không can thiệp vào công việc của nhau, nhưng do Indonesia dẫn đầu, một số nước đã tích cực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng. Thế nhưng, quân đội cho đến nay dường như không bị áp lực từ bên ngoài.

Chính quyền quân sự Myanmar công bố ngừng bắn với các lực lượng dân tộc thiểu số

Hôm 31.3, quân đội Myanmar đơn phương công bố lệnh ngừng bắn trong 1 tháng với các lực lượng dân tộc thiểu số, nhưng loại trừ với các hành động cản trở hoạt động an ninh và hành chính của chính quyền.

Trong tuyên bố trên đài quốc gia MRTV ngày 31.3, quân đội Myanmar kêu gọi các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số "giữ hòa bình" và họ sẽ ngừng "các hành động đơn phương từ ngày 1 đến 30.4". Tuy nhiên, quân đội khẳng định sẽ tiếp tục đáp trả "các hành động phá hoại an ninh và chính quyền", được hiểu là nói đến phong trào biểu tình đang diễn ra hằng ngày ở Myanmar.

Thông báo được đưa ra sau vụ đụng độ với các nhóm vũ trang của các dân tộc thiểu số Myanmar tại khu vực gần biên giới.

Hiện chưa có phản ứng nào được đưa ra từ các nhóm vũ trang sau khi chính quyền quân sự công bố ngừng bắn.

Hôm 30.3, nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một trong những nhóm dân tộc có vũ trang lớn nhất Myanmar hoạt động dọc biên giới phía đông với Thái Lan, cho biết đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn vào chính phủ quân sự.

"Không có lý do chính đáng nào để giết, làm hại và khủng bố những người vô tội, bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi và trẻ em, trong đêm khuya", KNU tuyên bố.

KNU kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nước láng giềng Thái Lan, giúp đỡ người Karen chạy trốn khỏi "cuộc tấn công dữ dội" và kêu gọi các quốc gia cắt đứt quan hệ với chính quyền quân sự để ngăn chặn bạo lực với dân thường.

Trong khi đó, Quân đội độc lập Kachin (KIA), một nhóm nổi dậy ở phía bắc, đã tấn công đồn cảnh sát ở bang Kachin lúc 3 giờ sáng hôm 31.3.

Trước đó, ba nhóm vũ trang dân tộc của liên minh phía bắc, Quân đội Arakan, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, ra tuyên bố chung "lên án mạnh mẽ hành động của quân đội Myanmar với dân thường không vũ trang". Ba nhóm yêu cầu quân đội Myanmar ngừng giết chóc dân thường không có vũ khí và tìm ra một giải pháp chính trị. Họ cũng tuyên bố sẽ bảo vệ người dân nếu quân đội tiếp tục tàn bạo với dân thường.

CRPH ra thông cáo hoan nghênh thông báo của ba nhóm nổi dậy. "CRPH đã kêu gọi họ làm việc cùng nhau vì sự thành công của cuộc cách mạng và thành lập liên minh dân chủ liên bang", CRPH cho biết.

CRPH chủ yếu bao gồm các nhà lập pháp trước đây của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) được bầu vào tháng 11.2020, đang kêu gọi mọi người quyên góp tiền thông qua huy động vốn cộng đồng để hỗ trợ cuộc kháng chiến. Đến nay CRPH đã huy động được 9,2 triệu USD, theo một trang web gây quỹ cộng đồng.

Hôm 27.3, KNU cho biết đã tấn công một đồn quân sự gần biên giới Thái Lan, giết chết 10 người, bao gồm cả một trung tá, và mất một trong những chiến binh của mình.

Sau đó, các máy bay phản lực quân sự cũng tiến hành các cuộc không kích vào một ngôi làng trên lãnh thổ do KNU kiểm soát khiến ít nhất 3 người đã thiệt mạng. Khoảng 3.000 dân làng đả bỏ chạy sang Thái Lan.

Nhân Hoàng