Vô đối về đơn đăng ký bằng sáng chế, Trung Quốc gây nghi ngại vì tập trung vào công nghệ thu thập dữ liệu

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:36, 01/04/2021

Số đơn đăng ký bằng sáng chế của các công ty Trung Quốc tăng gấp 200 lần kể từ năm 1999.

Trung Quốc đặt tham vọng về bằng sáng chế cho các công nghệ và sản phẩm sáng tạo. Ngay cả khi Trung Quốc công bố các mục tiêu đánh bại thế giới, các nhà phân tích ở phương Tây đang tự hỏi liệu họ có thể tin tưởng vào công nghệ của nước này trong một thế giới mạng hay không.

Trong tuyên bố mới nhất về ý định trên, Ge Shu, Giám đốc tại Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Nhà nước, nói rằng Trung Quốc đặt mục tiêu đăng ký 12 bằng sáng chế "sáng tạo có giá trị cao" cho mỗi 10.000 người dân vào năm 2025, tăng từ 6,3 trong 2020 và 3,9 vào năm 2015.

Động lực đằng sau mục tiêu đó là rõ ràng. "Điều này có nghĩa là năng lực đổi mới của đất nước chúng ta được cải thiện đáng kể và khoảng cách giữa Trung Quốcvới Mỹ và Nhật Bản được thu hẹp", hãng thông tấn Tân Hoa xã trích lời Ge Shu cho biết thêm.

Đánh giá theo quỹ đạo hiện tại, Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu của mình. Năm 2020, các công ty Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng các đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế tại Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), một cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Song ấn tượng hơn so với tổng số bằng sáng chế mà các công ty Trung Quốc đăng ký là tốc độ tăng trưởng số đơn đến 16,1% so với một năm trước - cho đến nay là tốc độ nhanh nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Kể từ năm 1999, các công ty Trung Quốc đã gửi số đơn đăng ký bằng sáng chế cho WIPO tăng hơn 200 lần, tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với các công ty của bất kỳ quốc gia nào khác.

Xu hướng tương tự cũng thấy rõ ở châu Âu. Dữ liệu từ Văn phòng Sáng chế Châu Âu (EPO) cho thấy giải thưởng bằng sáng chế cho các công ty Trung Quốc đã tăng 10% vào năm 2020, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Theo quỹ đạo hiện tại, Trung Quốc có thể thách thức Đức và Nhật Bản để xếp thứ hai sau Mỹ trong 7 năm về số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế hàng năm cho EPO.

Tất cả những điều này cho thấy một sự thay đổi rõ ràng. Nhiều thế kỷ sau khi tụt hậu, đất nước từng mang đến cho thế giới "bốn phát minh vĩ đại" - thuốc súng, sản xuất giấy, in ấn và la bàn - giờ đã gần tái khẳng định vị thế dẫn đầu trong đổi mới toàn cầu.

Thế nhưng khi điều này xảy ra, sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng đang cản trở sự tiếp nhận các công nghệ sáng tạo của Trung Quốc ở phương Tây. Điều này có khả năng gây tổn hại đến triển vọng của Trung Quốc vì phần lớn các bằng sáng chế mà nước này giành được từ các tổ chức quốc tế những năm gần đây là trong các công nghệ mạng thu thập dữ liệu người dùng.

Danielle Cave, Phó giám đốc trung tâm chính sách mạng quốc tế tại ASP - tổ chức tư vấn của Úc, cho biết: “Các lĩnh vực công nghệ quan trọng và chiến lược bao gồm các lĩnh vực như thành phố thông minh và ô tô thông minh, nơi mà việc thu thập dữ liệu liên quan có thể rõ ràng đến mức ai đang thực hiện việc thu thập là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết”.

vo-doi-ve-nop-don-dang-ky-bang-sang-che-trung-quoc-gay-nghi-ngai-vi-tap-trung-vao-cong-nghe-thu-thap-du-lieu.jpg
Các nhà phân tích nói rằng nếu các tổ chức an ninh Trung Quốc muốn dữ liệu của một cá nhân nào đó thì sẽ lấy được, bất chấp luật riêng tư cá nhân

Luật Trung Quốc yêu cầu các công ty phải giao nộp dữ liệu bất cứ khi nào nhà nước yêu cầu. Ví dụ, Luật Tình báo Quốc gia nói rằng "bất cứ tổ chức hoặc công dân nào sẽ hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với hoạt động tình báo của nhà nước theo quy định của pháp luật".

Dù Trung Quốc đang có kế hoạch áp dụng Luật Bảo vệ và Thông tin Cá nhân để cung cấp các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân nhưng vẫn chưa rõ mức độ an toàn thế nào. Một số nhà phân tích cho rằng, nếu muốn truy cập vào dữ liệu của một cá nhân, các tổ chức an ninh của Trung Quốc sẽ không gặp khó khăn gì ngay cả khi luật được thông qua.

Những nghi ngờ như vậy cho thấy thái độ cứng rắn ở Mỹ với các mạng lưới truyền thông toàn cầu. Jonathan Hillman và Laura Rivas viết trong một báo cáo mới của CSIS, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ: “Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau về việc ai thiết kế, xây dựng và đặt ra các tiêu chuẩn cho mạng toàn cầu. Thập kỷ tiếp theo có thể mang tính quyết định”.

Thái độ như vậy đặt ra một thách thức cụ thể với các quốc gia và công ty ở châu Á. Hầu hết các công ty công nghệ lớn châu Á đều có mặt tại Trung Quốc và bán các sản phẩm, dịch vụ vào thị trường đang bùng nổ của Trung Quốc. Các công nghệ mà họ đã phát triển có thể áp dụng cho Trung Quốc cũng như bất kỳ nơi nào khác.

Không thể loại bỏ hàng loạt mối liên kết chồng chéo giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài về sở hữu trí tuệ, thị trường vốn, mạng lưới bán hàng và các hệ thống khác. Nhiều khả năng một thập kỷ tới sẽ chứng kiến sự phân định lộn xộn trong một số lĩnh vực, sự hợp và nghi ngờ lẫn nhau trong những lĩnh vực khác giữa Trung Quốc với phương Tây.

Nhân Hoàng