Nhiều hãng thời trang dừng đặt hàng ở Myanmar, Mỹ hoan nghênh Anh trừng phạt thêm tập đoàn của quân đội

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:45, 01/04/2021

Next của Anh hôm 1.4 đã tham gia danh sách ngày càng tăng các nhà bán lẻ quần áo châu Âu tạm ngừng các đơn đặt hàng sản xuất mới với các nhà máy ở Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2.

Nhà bán lẻ thời trang Next đã ngừng đặt hàng sản xuất mới ở Myanmar, Giám đốc điều hành Simon Wolfson của hãng này cho biết.

Ông Simon Wolfson nói với Reuters: “Chúng tôi không đặt thêm bất kỳ đơn đặt hàng nào vào lúc này, đó là một bước tiến lớn. Hầu hết nguồn hàng mà chúng tôi đang cung cấp từ Myanmar. Chúng tôi đã có sẵn các lựa chọn thay thế cho nguồn hàng đó ở các nước khác”.

Simon Wolfson nói Myanmar cung cấp ít hơn 5% tổng lượng hàng tồn kho của Next.

Myanmar đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi hôm 1.2 với lý do tuyên bố gian lận không có cơ sở.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 536 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, 141 người trong số đó vào 27.3, ngày đẫm máu nhất của tình hình bất ổn.

Myanmar được biết đến trên toàn cầu với các sản phẩm sợi, vải, dệt và ngành công nghiệp may mặc là nguồn việc làm chính.

Hôm 31.3, Associated British Foods cho biết doanh nghiệp thời trang Primark của họ đã tạm dừng các đơn đặt hàng ở Myanmar, sau những động thái tương tự từ H&M (Thụy Điển) - nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới) và Tập đoàn Benetton (Ý).

Ngày 29.3, nhà bán lẻ quần áo OVS (Ý) cho biết họ sẽ giữ "sự hiện diện hạn chế" ở Myanmar nhưng sẽ ngừng kinh doanh với các nhà cung cấp hành động theo cách phân biệt đối xử với những người lao động tham gia vào các cuộc biểu tình chống đảo chính.

Marks & Spencer (Anh), có khoảng 3% nguồn cung quần áo từ Myanmar, cho biết họ đang tiếp tục với các đơn đã đặt trước nhưng đang xem xét các đơn đặt hàng trong tương lai.

nhieu-hang-thoi-trang-dung-dat-hang-o-myanmar.jpg
Sau H&M, Benetton và Primark, Next dừng đặt hàng từ Myanmar

Tuần trước, Mỹ và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar.

Hôm 25.3, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát là Myanmar Economic Holdings Public Company Ltd (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC).

MEHL và MEC là hai tập đoàn quân sự kiểm soát nền kinh tế Myanmar với các lợi ích khác nhau.

Động thái của chính quyền Biden đóng băng bất kỳ tài sản nào do MEHL và MEC nắm giữ liên quan đến Mỹ. Đây là hành động mới nhất sau một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngân hàng trung ương Myanmar cũng như các tướng lĩnh hàng đầu.

Biện pháp này là hành động đầu tiên đánh vào hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar, lực lượng kiểm soát toàn bộ nền kinh tế Myanmar với các lĩnh vực khác nhau, từ bia, thuốc lá, viễn thông, lốp xe, khai thác mỏ và bất động sản.

Đồng minh của Mỹ là Anh cũng áp lệnh trừng phạt với hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar.

Bộ Ngoại giao Anh thông báo nước này sẽ nhắm vào MEHL vì vi phạm nhân quyền với người thiểu số Rohingya và quan hệ cùng các quan chức cấp cao trong quân đội Myanmar.

Các lệnh trừng phạt hôm nay nhắm vào lợi ích tài chính của quân đội Myanmar, cắt nguồn cung tiền giúp họ thực hiện các chiến dịch đàn áp dân thường”, Ngoại trưởng Anh - Dominic Raab tuyên bố.

Hôm 1.4, Anh đã trừng phạt thêm MEC vì liên kết chặt chẽ với giới lãnh đạo quân sự mà Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab nói là cố ý giết người vô tội, bao gồm cả trẻ em.

Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với MEC vì liên quan đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bằng cách cung cấp ngân quỹ cho quân đội Myanmar, cũng như liên kết với các nhân vật quân sự cấp cao.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh - Dominic Raab nói: “Quân đội Myanmar đã chìm xuống mức thấp mới với hành vi giết người vô tội, bao gồm cả trẻ em, một cách vô tội vạ. Các hành động mới nhất của Anh nhắm vào một trong những nguồn tài trợ chính của quân đội và khiến họ phải trả thêm phí vì vi phạm nhân quyền”.

Từng kêu gọi các công ty quốc tế xem xét cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Myanmar, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken hoan nghênh hành động của Anh.

Ông Antony Blinken nói: “Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính phải chấm dứt mọi bạo lực chống lại người dân Myanmar và khôi phục nền dân chủ”.

Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc xâm phạm bí mật quốc gia

Ngày 1.4, ông Khin Maung Zaw - trưởng nhóm luật sư bảo vệ Aung San Suu Kyi, cho biết bà và 4 đồng minh đã bị cáo buộc xâm phạm Đạo luật Bí mật Chính thức của nước này.

Bà Suu Kyi, 3 bộ trưởng trong nội các bị lật đổ và cố vấn kinh tế người Úc - Sean Turnell đã bị một tòa án ở Yangon buộc tội hồi tuần trước. Khin Maung Zaw vừa biết về tội danh mới mà bà Suu Kyi bị cáo buộc 2 ngày trước.

Bà Suu Kyi còn phải đối mặt với các cáo buộc vi phạm các quy định phòng chống dịch COVID-19, nhập khẩu trái phép 6 bộ đàm và tham nhũng.

Một luật sư khác cho biết Suu Kyi có sức khỏe tốt trong phiên xét xử nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu bà có biết về tình hình hiện tại ở Myanmar hay không. Vị luật sư này cho biết phiên xét xử bà Suu Kyi đã bị hoãn đến ngày 12.4 tới.

Nhân Hoàng