Mỹ - Trung có thể hợp tác trong vấn đề khí hậu?

Quốc tế - Ngày đăng : 11:18, 02/04/2021

Trong lúc Mỹ chờ đợi Trung Quốc hồi đáp lời mời đến dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu cuối tháng 4, giới phân tích nhắc nhở giữa hai bên còn thiếu tin tưởng nhau sâu sắc – yếu tố ảnh hưởng lớn đến triển vọng thực thi cam kết bảo vệ môi trường của mỗi nước.

Tổng thống Joe Biden đưa ra lời mời vào tuần trước, cho thấy ông không hoàn toàn loại bỏ khả năng làm việc với Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng toàn cầu như vấn đề khí hậu. Nhà Trắng từ chối cho biết phía Chủ tịch Tập Cận Bình có nhận lời hay chưa, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chỉ nói hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Tập sẽ do chính quyền Bắc Kinh công bố.

Theo giới phân tích, Mỹ sở dĩ không tin Trung Quốc là vì thấy quốc gia châu Á - cam kết đưa phát thải CO2 về 0 trước năm 2060 - tiếp tục xây dựng hàng loạt nhiệt điện than trên khắp thế giới.

Nhà nghiên cứu Cecilia Han Springer thuộc đại học Boston cho biết: “Đầu tư năng lượng ra nước ngoài của Trung Quốc chủ yếu đổ vào than đá. Cam kết giảm dần nguồn tài chính công cho nhiên liệu hóa thạch từ Tổng thống Biden gây áp lực buộc các nước khác phải làm theo. Nếu Trung Quốc đưa ra cam kết tương tự thì tôi sẽ rất ngạc nhiên”.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đặt nghi vấn Mỹ tái tham gia thỏa thuận khí hậu Paris là việc lâu dài hay chỉ tạm thời.

“Tôi nghĩ Trung Quốc muốn xem Mỹ sắp tới hành động ra sao. Tổng thống Biden vừa giới thiệu kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 2.000 tỷ USD. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua nước này sẽ chi hàng tỷ USD cho giảm phát thải”, theo giáo sư Deborah Seligsohn thuộc đại học Villanova.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tỏ rõ quyết tâm thông qua kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trước quốc khánh 4.7 sắp tới, nhưng không rõ sau khi Quốc hội chỉnh sửa thì bản cuối cùng của kế hoạch sẽ như thế nào.

Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ nhân dịp hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 4 công bố mục tiêu giảm phát thải 2030 đầy tham vọng. Tổng thống Biden trong lời mời cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo khác tận dụng cơ hội gặp gỡ sắp tới vạch ra kế hoạch đóng góp cho nỗ lực cải thiện tình trạng khí hậu toàn cầu.

chinaus.jpg
Trung Quốc tiếp tục xây hàng loạt nhà máy nhiệt điện than - Ảnh: SCMP

Nếu Chủ tịch Tập nhận lời tham dự, đây sẽ là lần gặp gỡ đầu tiên giữa ông với Tổng thống Biden với tư cách nguyên thủ quốc gia. Hai nhà lãnh đạo từng làm việc cùng nhau khi còn giữ chức vụ thấp hơn.

Bất chấp mối quan hệ ngày một xấu, nhưng Mỹ - Trung dường như chưa từ bỏ cơ hội hợp tác ở vấn đề khí hậu bằng một số hình thức mặc dù xung đột sâu sắc ở nhiều vấn đề khác.

Giữa tháng 3, quan chức ngoại giao cấp cao hai nước gặp nhau tại Alaska. Sau màn khẩu chiến trước ống kính truyền hình thì họ lại nhất trí thành lập nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu.

Sau đó Đặc phái viên về khí hậu John Kerry tham gia một cuộc họp trực tuyến do Trung Quốc đồng chủ trì, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ông Kerry không định gặp quan chức Trung Quốc trong sự kiện này.

Giám đốc Trung tâm Tài nguyên - Môi trường thuộc trường Luật và Ngoại giao Fletcher (đại học Tufts) Kelly Sims Gallagher nhận định hai nước cần duy trì đối thoại cởi mở: “Họ nên hiểu rõ, đầy đủ về nhau để ngờ vực không tích tụ. Tôi không nghĩ thời điểm hiện tại có thể nói đến hợp tác, nhưng phối hợp và đối thoại là cần thiết”.

Giám đốc Sáng kiến Khí hậu quốc tế thuộc Viện Tài nguyên thế giới David Waskow cho rằng quan hệ Mỹ - Trung cần thời gian tái thiết.

“Mọi thứ - đặc biệt là hợp tác về khí hậu - không thể tự động quay lại thời điểm trước đó. Có thể mất chút thời gian phục hồi quan hệ hợp tác toàn diện. Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh rằng từ góc nhìn toàn cầu, ta cần hai quốc gia phát thải nhiều nhất tìm ra con đường phía trước và điều chỉnh hành động của họ”, theo ông Waskow.

Cẩm Bình