Kịch bản ác mộng Trung Quốc gây ra cho Nhật ở quần đảo Senkaku và mối lo Mỹ không can thiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:21, 02/04/2021
Đây là kịch bản ác mộng với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản:
Một tàu đánh cá của Trung Quốc bị hỏng gần quần đảo Senkaku của Nhật. Cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này và gọi là Điếu Ngư, Trung Quốc
chỉ thị lực lượng bảo vệ bờ biển của mình để bảo vệ con tàu. Các ngư dân đổ bộ lên một trong những hòn đảo để chờ sửa chữa, phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản. Trong bối cảnh căng thẳng và bối rối, các nhân viên tuần duyên Trung Quốc được báo động bắt đầu nổ súng về phía Nhật.
Trong bối cảnh các cuộc xâm nhập lặp đi lặp lại của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Senkaku, những kịch bản như vậy không còn nằm ngoài khả năng nữa. Các cuộc thảo luận trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản đã nổ ra liên quan đến sự cần thiết của luật đưa ra các quy tắc tham gia một cách rõ ràng với những trường hợp như vậy.
Theo luật hiện hành, ngư dân Trung Quốc đổ bộ lên các đảo sẽ bị coi là một tình huống vùng xám, không có sự tham gia của lực lượng phòng vệ theo khuôn khổ pháp lý Nhật Bản.
Thêm tính cấp thiết của vấn đề, tham vọng từ Trung Quốc với quần đảo Senkaku có thể vượt xa các cuộc xâm nhập của tàu cá.
Một chuyên gia được mời tham dự cuộc họp của các nhà lập pháp đảng Dân chủ Tự do tuần trước đã tiết lộ thông tin gây sốc: Trung Quốc đang có kế hoạch bồi đắp đất xung quanh quần đảo Senkaku và di chuyển khoảng 20.000 người đến đó. Các nhà lập pháp kinh ngạc nên đặt câu hỏi liên tục cho ông ta.
Vào tháng 2.2021, Trung Quốc đã thi hành luật cho phép các tàu tuần duyên sử dụng vũ khí chống lại các tàu mang cờ nước ngoài trong một số tình huống nhất định ở lãnh thổ hàng hải thuộc "quyền tài phán" của họ.
Đạo luật có hiệu lực nâng lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc lên thành tổ chức bán quân sự, làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ trong vùng xám.
Chính phủ Nhật Bản cho biết Đạo luật Thực thi Nhiệm vụ của cảnh sát cho phép các tàu nổ súng vào các tàu nước ngoài để ngăn chặn việc xâm nhập trái phép. Nếu cảnh sát hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển không thể có được phản ứng thích hợp thì một cuộc gọi điện thoại và quyết định nhanh chóng của Nội các sẽ điều động lực lượng phòng vệ đến hoạt động như cảnh sát.
Không bị thuyết phục, các nhà lập pháp đảng Dân chủ Tự do liên quan đến chính sách quốc phòng tuần trước đã cùng nhau đưa ra một đề xuất về luật "lấp đầy khoảng trống". Nội dung kêu gọi sửa đổi luật bảo vệ bờ biển của Nhật Bản. Những thay đổi này sẽ cho phép các tàu tuần duyên, trong giới hạn của luật pháp quốc tế, sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài từ chối tuân thủ lệnh trục xuất.
Cuộc họp kín cũng đang thúc đẩy các quy tắc cho phép triển khai Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản trước các hòn đảo xa xôi để cắt giảm thời gian phản ứng trong trường hợp có tình huống thù địch.
Dù Tổng thống Joe Biden và các quan chức cấp cao chính quyền của ông đã tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku nằm trong Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, mà Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản trong một cuộc tấn công vũ trang, điều khoản này chỉ áp dụng với "lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật".
Điều này có nghĩa là Mỹ cần kết luận rằng quần đảo Senkaku thuộc định nghĩa đó trước khi hành động.
Tổng thống Biden "đảm bảo với chúng ta rằng Điều 5 áp dụng cho quần đảo Senkaku không phải là kết thúc câu chuyện", cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara, nhà lập pháp của đảng Dân chủ vì Nhân dân đối lập, cho hay.
Ông Seiji Maehara nói Nhật Bản cần "duy trì tình trạng hiện tại mà các đảo do chúng ta quản lý".
Một quan chức cấp cao Chính phủ Nhật Bản cho biết: “Mỹ sẽ không hành động trừ khi Nhật Bản thể hiện thiện chí sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quần đảo”.
Một nhóm đảng Dân chủ Tự do riêng biệt về chính sách quốc phòng sẽ sớm khuyến nghị chính phủ nghiên cứu hồ sơ hàng hải của các tàu tuần tra bảo vệ bờ biển. Bằng cách đó, Nhật Bản có thể đưa ra dữ liệu khách quan chứng minh nước này đang duy trì an ninh và kiểm soát chặt chẽ với quần đảo Senkaku nếu tranh chấp với Trung Quốc được quốc tế phân xử.
Các hoạt động hàng hải của các tàu gắn cờ Trung Quốc xung quanh Senkaku đã tăng lên khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này vào năm 2012.
Hành vi khiêu khích trên biển cả đã gia tăng trong những năm gần đây. Các tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiếp cận tàu đánh cá Nhật Bản hai lần vào năm 2013 và chỉ một lần vào năm 2014. Năm ngoái, con số này đã tăng lên 8. Năm nay, đã có 7 trường hợp trong 3 tháng đầu tiên.
May mắn cho Nhật, chính quyền Biden đã bày tỏ rõ lập trường của mình với quần đảo Senkaku.
Kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama nói vào năm 2014 rằng quần đảo Senkaku nằm trong Điều 5 của hiệp ước an ninh, đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ nói như vậy, nhưng lần này để đáp lại việc Nhật Bản bày tỏ lo ngại.
Vào ngày 16.3, khi Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken gặp người đồng cấp Nhật Bản - Toshimitsu Motegi tại Tokyo, chính phía Mỹ đã khởi xướng cuộc thảo luận về quần đảo Senkaku, theo các nguồn tin thân cận với cuộc họp.
Phía Mỹ có lý do riêng để lo ngại. Nếu Trung Quốc đặt quần đảo Senkaku vào quyền kiểm soát của mình và tiến hành cải tạo đất để xây dựng căn cứ quân sự, điều đó sẽ đặt chúng quá gần căn cứ của Mỹ, Robert Eldridge, người từng là phó tham mưu trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại tại các cơ sở của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa cho biết.
Ông Robert Eldridge nói thêm rằng quần đảo Senkaku là vị trí quan trọng theo nghĩa chiến lược.
Mục tiêu của Nhật Bản là tăng cường sự hiện diện của liên minh trong khu vực để Trung Quốc nhận ra rằng việc cố gắng chiếm quần đảo Senkaku bằng vũ lực sẽ nhận hậu quả không đáng có.
Các cuộc tập trận chung đã được lên kế hoạch trong khu vực là một phần của chiến lược. Thách thức là cả Nhật Bản và Mỹ phải nhanh chóng đồng ý về một phản ứng phối hợp trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Một sự bất đồng có thể làm trì hoãn phản ứng.
Ông Robert Eldridge cho rằng Nhật Bản cần thể hiện quyết tâm bảo vệ quần đảo Senkaku mà không do dự trước khi xung đột vũ trang xảy ra.