Xương cá đâm thủng cả ruột non
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 08:17, 03/04/2021
Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) vừa tiếp nhận 1 trường hợp mắc xương cá phải phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân là ông T.V.U (SN 1973, ngụ P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) nhập viện vào khoa cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội ở thượng vị và hạ sườn 2 bên, kèm sốt nhẹ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa cho bệnh nhân chụp MSCT bụng. Kết quả bệnh nhân bị thủng ruột non vị trí bụng dưới lệch trái do dị vật cản quang kích thước khoảng 2 x 28mm, nghi xương cá. Ê-kip bác sĩ sau đó phải tiến hành phẫu thuật nội soi cấp cứu cho ông T.V.U.
Quá trình mổ ghi nhận ổ bụng có dị vật xương cá đâm thủng ruột non, viêm túi thừa ruột non. Và các bác sĩ đưa ra hướng xử trí là lấy xương cá, khâu lỗ thủng ruột non, cắt túi thừa ruột non hình chiêm, khâu lại. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân dần hồi phục.
Theo BS.CKI Lê Chí Điền - chuyên khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, đồng thời là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân: “Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc đồ ăn, hóc xương cá hoặc mắc phải các loại dị vật khác như tăm, tre, đinh... vào đường tiêu hóa trên, thường là thực quản.
Mắc dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm và đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu không sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như chảy máu, tạo ổ áp-xe, thủng trung thất hoặc đâm vào và làm tổn thương những động mạch có kích thước lớn xung quanh thực quản. Do đó bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời”.
Một số nguyên nhân dẫn đến dị vật đường tiêu hóa hay gặp trên thực tế lâm sàng như ăn quá nhanh và uống quá nhanh, nuốt vội vàng nên những khối thức ăn có dị vật bên trong không được nhận biết và nuốt chúng vào đường tiêu hóa. Thói quen vừa ăn vừa trò chuyện cũng dễ dẫn đến vấn đề này. Ngoài ra cũng do thói quen nhai không kỹ và không cẩn thận
Bệnh nhân lớn tuổi không thể cắn và xé thức ăn do răng yếu nên có xu hướng nuốt khối thức ăn có xương hoặc dị vật vào thực quản mà không nhai. Nhiều người cũng do thói quen vội uống thuốc chưa bỏ vỏ chứa cạnh sắc nhọn. Ngoài ra, thói quen dùng tăm tre sau khi ăn và ngậm tăm tre cũng dễ dẫn đến hóc dị vật.
ThS.BS Nguyễn Hữu Kỳ Phương - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) khuyến cáo trong khi ăn uống mọi người không nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Cần tập trung ăn uống, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở. Khi không may hóc kèm những biểu hiện bất thường như: khó thở, ho nhiều, tức ngực cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Khi thấy dấu hiệu bị hóc xương cá mọi người nên lập tức ngưng nuốt, không được cố nuốt vì có thể làm xương đâm sâu hơn. Cần cố gắng nôn ọi ra càng sớm càng tốt nhưng tránh móc sâu vào họng. Khi đã bị hóc xương cá mọi người không nên ăn bất cứ thứ gì nhằm đẩy xương xuống.
Đối với xương cá nhỏ có thể dùng mẹo sau: nhét tỏi vào lỗ mũi, nếu bị hóc bên trái họng thì nhét nhánh tỏi vào bên phải lỗ mũi cho thông hơi, sau đó bịt lỗ mũi bên trái lại và thở bằng miệng, bạn sẽ bị hắt hơi và nôn ra. Lưu ý nên lựa chọn nhánh tỏi có kích thước phù hợp, không quá nhỏ để tránh hít sâu gây nghẹt. Đối với xương cá lớn: không nên dùng bất cứ mẹo nào.
Ngoài ra, việc ngậm một viên vitamin C, miếng vỏ cam hoặc một miếng chanh đã lấy hạt có thể khiến miếng xương cá mềm và tan ra. Nếu xương cắm vào những vị trí có thể nhìn thấy được thì có thể dùng kẹp y khoa để gắp ra. Nhưng nhanh chóng đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, tránh tình trạng diễn ra phức tạp hơn.