Thiên tượng ngăn cản Vành đai và Con đường
Chuyển động - Ngày đăng : 12:06, 03/04/2021
BRI là tham vọng xây dựng Con đường Tơ lụa mới kết nối châu Á, châu Âu, châu Phi bằng cơ sở hạ tầng, thương mại cùng đầu tư. Khu tự trị Tân Cương vì vậy trở thành nơi tập trung của hàng loạt dự án cầu đường.
Urumqi - thủ phủ Tân Cương - cách xa biển hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới. Nguồn cung cấp nước chính là tuyết trên núi do gió thổi từ Biển Đen và Địa Trung Hải đem đến. Tài nguyên nước tại Urumqi chỉ bằng 1/8 mức trung bình quốc gia.
Nhưng miền tây Trung Quốc (vốn được biết đến với những sa mạc lớn) đang trở nên xanh tươi. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy sa mạc dần thu hẹp và ốc đảo dần mở rộng. Lượng mưa mùa hè tăng từ 100mm năm 1950 lên 190mm năm 2019, theo số liệu thời tiết chính thức.
Giới khoa học chẳng hiểu lượng mưa bổ sung đến từ đâu. Lượng mưa bổ sung không đến từ phía tây, phần lớn gió mùa Ấn Độ Dương phía nam bị cao nguyên Tây Tạng chặn lại. Dữ liệu không đầy đủ khiến công tác nghiên cứu thêm khó khăn, Tân Cương có ít trạm khí tượng hơn nơi khác.
Nhờ sự giúp đỡ của mô hình tính toán trên máy tính, nhóm nghiên cứu do giáo sư Trương Hiểu Kiến thuộc Đại học Nam Kinh đứng đầu phát hiện lượng mưa bổ sung đến từ một nguồn không ai ngờ tới: Thái Bình Dương cách miền tây Trung Quốc hơn 2.500km. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng, cao nguyên Mông Cổ đã nóng hơn, khối khí nóng có thể làm cho bão ở phía tây Thái Bình Dương mở rộng dải mưa lên phía tây.
Nhóm nghiên cứu tính toán nếu nhiệt độ tiếp tục tăng thì hơi nước từ Thái Bình Dương sẽ xâm nhập sâu hơn nữa vào đất liền. Nhiệt độ ở cao nguyên Tây Tạng cao hơn còn giúp gió mùa Ấn Độ Dương di chuyển nhanh hơn về phía bắc thông qua một hành lang hẹp tại Đông Nam Á.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, Tân Cương trở nên ẩm ướt như thời nhà Hán khoảng 2.000 năm trước. Nhiệt độ thời điểm đó được cho bằng hoặc cao hơn ngày nay với nhiều rừng tre sinh trưởng tại các thung lũng sông Hoàng Hà.
Tân Cương xanh tươi là tin tốt cho kinh tế khu vực, nhưng mưa không dàn trải đều quanh năm mà chỉ tập trung mùa hè - đôi khi chỉ trong vài ngày - gây ra lũ lụt chết người. Giáo sư Trương nhận định: “Tình hình ngày càng nghiêm trọng”.
Đáng chú ý hơn, loạt dự án hạ tầng thuộc BRI triển khai tại đây chưa tính toán đến mối nguy lũ lụt. Giáo sư Trương khuyến cáo nên cập nhật thiết kế lẫn tiêu chuẩn chất lượng công trình theo hướng xem xét cả nguy cơ từ nước lũ.
Đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên về tác động của biến đổi khí hậu đến BRI. Giáo sư Trạch Kiến Thanh thuộc Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc cùng đồng nghiệp từng công bố phát hiện các số quốc gia/vùng lãnh thổ dọc theo BRI chiếm hơn 80% số ca tử vong toàn cầu do thảm họa khí tượng giai đoạn 1980 - 2019. Số lượng thảm họa giai đoạn 2010 - 2019 tăng gấp 3 lần so với thập kỷ trước, hầu hết liên quan lũ lụt.