Phe đối lập tố Ngoại trưởng Malaysia xúc phạm đất nước vì gọi người đồng cấp Trung Quốc là ‘anh cả’

Quốc tế - Ngày đăng : 21:01, 03/04/2021

Ông Hishammuddin Hussein hôm 3.4 nhấn mạnh rằng Malaysia vẫn độc lập trong chính sách đối ngoại sau khi một số người dùng mạng xã hội và các chính trị gia đối lập chê bai ông vì coi người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị là "anh cả" của mình.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Hishammuddin Hussein (59 tuổi) đã bày tỏ hy vọng rằng ông và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị (67 tuổi) sẽ theo đuổi mối quan hệ gắn kết hơn giữa hai nước, bao gồm hợp tác sau COVID-19 và chống lại đại dịch.

Tuy nhiên, Hishammuddin Hussein đã gây tranh cãi ở quê nhà khi nói với ông Vương Nghị trong cuộc họp báo chung hôm 2.4 rằng: “Anh sẽ luôn là anh cả của tôi. Chúng ta là anh em”. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đồng tình về điều này.

thu-linh-phe-doi-lap-to-ngoai-truong-malaysia-xuc-pham-dat-nuoc3.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia - Hishammuddin Hussein (trái) va chạm khuỷu tay với người đồng cấp Vương Nghị tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 1.4

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Thế nhưng quan hệ giữa hai nước đã bị thử thách trong những năm gần đây bởi chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là các yêu sách hàng hải ở Biển Đông giàu tài nguyên, một số trong đó xung đột với các tuyên bố chủ quyền của Malaysia.

Một số người Malaysia đã lên mạng xã hội để chế nhạo Hishammuddin Hussein, nói rằng ông dường như đang xoa dịu siêu cường toàn cầu, trong khi lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia rút lại bình luận của mình và đưa ra lời xin lỗi tới đất nước.

"Đây không phải là ngôn ngữ và phong cách nên được sử dụng trong thế giới ngoại giao và quan hệ quốc tế bởi vì nó dường như đặt địa vị của Malaysia như một con rối nước ngoài. Là quốc gia trung lập và không ủng hộ bất kỳ cường quốc nào trên thế giới, tuyên bố của ông ấy rõ ràng là hình thức xúc phạm đất nước chúng ta", ông Anwar Ibrahim nói hôm 3.4.

Sau khi hứng chịu lời chỉ trích, Hishammuddin Hussein viết trên Twitter rằng ông nói "anh cả" để thể hiện sự tôn trọng với Vương Nghị và những từ đó không đề cập đến mối quan hệ của Malaysia với Trung Quốc.

Hishammuddin Hussein lý giải ông “tôn trọng Vương Nghị lớn tuổi hơn và là một bộ trưởng ngoại giao cao cấp hơn, do đó là ‘anh cả’ với cá nhân tôi”.

Tôn trọng không có nghĩa là yếu đuối”, Ngoại trưởng Malaysia phân trần.

Hãy yên tâm rằng Malaysia vẫn độc lập, nguyên tắc và quyết đoán về mặt chính sách đối ngoại của chúng ta - dựa trên các giá trị hòa bình, nhân văn, công lý và bình đẳng”, Hishammuddin Hussein cho biết thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên một ngoại trưởng của Malaysia gọi ông Vương Nghị là "anh trai". Hồi tháng 9.2019, Ngoại trưởng Malaysia khi đó là Saifuddin Abdullah cũng gọi ông Vương Nghị là "anh trai" trong một cuộc gặp trên đất Trung Quốc.

Cũng trong cuộc họp báo ở tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 1.4, Hishammuddin Hussein cho biết Chính phủ Malaysia tin rằng "Trung Quốc có thể cùng với ASEAN đóng một vai trò quan trọng và mang tính xây dựng để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar”.

Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc ủng hộ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN về Myanmar - ý tưởng được Indonesia, Malaysia và Singapore thúc đẩy.

"Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các nỗ lực do ASEAN dẫn đầu nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và ủng hộ việc tổ chức kịp thời một cuộc họp các nhà lãnh đạo đặc biệt để làm hòa giải ở Myanmar", đài truyền hình nhà nước Trung Quốc - CCTV đưa tin hôm 1.4.

Malaysia và Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Cấp cao về Hợp tác sau COVID-19, mà ông Hishammuddin giải thích là “sẽ cung cấp hướng dẫn chính sách cho tất cả các khía cạnh" của mối quan hệ. Điều này bao gồm thương mại và đầu tư, an ninh lương thực, khoa học và công nghệ, sắp xếp việc đi lại và các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Về mặt thương mại, Trung Quốc đồng ý cho phép nhập khẩu dầu cọ đỏ Malaysia, loại dầu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặc điểm kỹ thuật về màu sắc của Trung Quốc. Đây được coi là chiến thắng cho Malaysia, quốc gia có nền kinh tế đang gặp khó khăn và chủ yếu dựa vào hàng hóa.

Trong khi đó, Trung Quốc đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường dược phẩm của Malaysia, với kế hoạch sản xuất vắc xin COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này, theo tuyên bố trong cuộc họp của Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia. Điều này sẽ đưa Malaysia trở thành cơ sở sản xuất vắc xin thứ hai của Trung Quốc ở ASEAN (sau Indonesia).

Tuần trước, Trung Quốc ký thỏa thuận để sản xuất hàng triệu liều vắc xin Sinopharm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Các thỏa thuận cho thấy sự chấp nhận ngày càng tăng với vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, vốn vẫn chưa thâm nhập vào các nước phát triển như Mỹ và Úc.

Trung Quốc và Malaysia cũng đồng ý về nguyên tắc công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vắc xin", được hình dung là giấy chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.

Vào trước chuyến thăm Trung Quốc, Hishammuddin Hussein đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken, cuộc gọi mà ông mô tả là "tuyệt vời".

Nhân Hoàng