‘Không nước nào có thể một mình chống lại Trung Quốc hay Nga chứ đừng nói cả hai’

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:55, 04/04/2021

Các cuộc tập trận quân sự vào cuối năm nay sẽ cung cấp nền tảng cho ý định của Nga và Trung Quốc.
khong-nuoc-nao-co-the-mot-minh-chong-lai-trung-quoc-va-nga-chu-dung-noi-ca-hai222.jpg
Các binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga vào ngày 24.6.2020

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga sắp bước sang một giai đoạn mới. Đôi khi được gọi là "đối tác cơ hội", Trung Quốc và Nga đã có dấu hiệu cho thấy họ đang bắt đầu hình thành một mặt trận thống nhất, với việc ngoại trưởng hai nước liên tục chỉ trích Mỹ.

Khi đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, Trung Quốc cùng Nga đang làm dấy lên mối lo ngại rằng họ có thể trở nên kiên quyết hơn trong việc chống lại thế giới dân chủ.

Khi gặp nhau tại Quế Lâm thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trong ngày 22 - 23.3, Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị và người đồng cấp Nga - Sergey Lavrov đều kịch liệt chỉ trích các nước phương Tây, đồng thời bình luận rằng Mỹ không nên thành lập liên minh để bắt nạt nước khác.

Họ cũng cho biết không có mô hình tiêu chuẩn thống nhất cho nền dân chủ và các quốc gia có chủ quyền có quyền lựa chọn mô hình của riêng mình.

Cuộc gặp gỡ của ngoại trưởng Trung Quốc và Nga diễn ra khi phương Tây tăng cường tính hiếu chiến.

khong-nuoc-nao-co-the-mot-minh-chong-lai-trung-quoc-va-nga-chu-dung-noi-ca-hai2.jpg
Ngoại trưởng Nga - Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị chào nhau trước khi hội đàm ở Quế Lâm, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc vào ngày 23.3. Hai bộ trưởng đã thể hiện sự thống nhất trong bối cảnh những lời chỉ trích và các biện pháp trừng phạt của phương Tây với họ về nhân quyền

Vào ngày 12.3, bộ tứ Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ (Quad) đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ý định để Trung Quốc và Nga trong tâm trí của họ.

5 ngày sau, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Joe Biden nói rằng ông nghĩ Tổng thống Vladimir Putin là một "kẻ giết người".

Vào ngày 18 - 19.3, quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ và Trung Quốc đã khẩu chiến nảy lửa tại cuộc họp ở bang Alaska.

Trước khi ông Vương Nghị và Sergey Lavrov bắt đầu cuộc hội đàm, EU (Liên minh châu Âu) và Mỹ quyết định đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Trung Quốc.

Người Nga có cảm xúc lẫn lộn với Trung Quốc, quốc gia đã theo chân Liên Xô trong việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản. Hai nước láng giềng đã có mối quan hệ không êm ấm ít nhất là kể từ những năm 1960, khi xung đột biên giới bùng phát thành cuộc đụng độ quân sự. Tuy nhiên vào năm 1996, sau khi Liên Xô tan rã, hai nước đã công bố quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2001, ông Putin mời Chủ tịch Giang Trạch Dân tới Moscow để ký Hiệp ước Hữu nghị Trung - Nga.

Trong quá trình này, vị thế có lợi của Nga với Trung Quốc giảm sút và vị thế hai nước láng giềng cuối cùng đã đảo ngược. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2019 gấp 8 lần Nga.

Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, sự phụ thuộc của Nga vào nước láng giềng ngày càng tăng. Trung Quốc hiện là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga và là nguồn nhập khẩu lớn nhất với nước này.

Điều khiến Nga lo ngại là nguy cơ nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc. Chính quyền ông Putin cố gắng nuôi dưỡng niềm tự hào về sự vĩ đại của nước Nga, hoạt động trên nguyên tắc từ chối ảnh hưởng từ tất cả quốc gia khác về các chính sách đối nội của mình. Điều này có nghĩa là không bao giờ cho phép lòng tự hào và phẩm giá của người Nga bị hoen ố.

Một số quốc gia Trung Á trước đây là một phần của Liên Xô mà Nga cho là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình, nay đã chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Dường như không biết về việc đã làm mất niềm tự hào của ông Putin như thế nào nhưng Trung Quốc giờ đang cố gắng tiếp cận Nga.

Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) gần đây đã đăng một bài xã luận cho rằng: "Không quốc gia nào trong khu vực có thể một mình chống lại Trung Quốc hay Nga, chứ đừng nói đến việc chống lại hai cường quốc cùng lúc". Bài viết cũng khẳng định rằng Trung Quốc và Nga có thể chống lại bộ tứ Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Bài xã luận dường như chỉ ra rằng Trung Quốc, mà Mỹ coi là mối đe dọa lớn nhất của phương Tây, sẽ cảm thấy an toàn hơn khi có một sức mạnh quân sự lớn như Nga ở bên cạnh.

Sự kiện vào cuối năm nay có thể chứng minh là nền tảng trong việc dự đoán liệu Trung Quốc và Nga có tìm cách thành lập một liên minh quân sự hay không.

Sau hai thập kỷ, Hiệp ước Hữu nghị Trung - Nga sẽ hết hạn vào tháng 7.2021. Song cuối tháng 3.2021, ngoại trưởng Trung Quốc và Nga đã đồng ý gia hạn và mở rộng hiệp ước. Họ cũng thông báo rằng lãnh đạo hai nước sẽ đưa ra một tuyên bố chung.

Tâm điểm sẽ là Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình xem mối quan hệ lần này như thế nào.

Cuộc tập trận quân sự lớn vào mùa thu 2021 là sự kiện mà Nga tiến hành ở một quân khu khác nhau hàng năm. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc từng tham gia cuộc tập trận với Nga ở cấp độ chiến lược vào năm 2018, được tổ chức ở một khu vực phía đông Nga, tương đối gần Trung Quốc.

Trung Quốc đã được mời tham gia hàng năm kể từ đó. Năm nay, cuộc tập trận sẽ được tổ chức tại một quận phía tây nước Nga, gần với châu Âu. Nếu Trung Quốc tham gia, điều đó chắc chắn sẽ khiến châu Âu khó chịu và chứng tỏ rằng Trung - Nga đang thiết lập quan hệ quân sự.

Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tự coi mình là phe chống phương Tây. Nếu hai “đối tác cơ hội” tiến tới một liên minh quân sự, cuộc đối đầu Đông - Tây có thể phát triển.

Khi được hỏi về một liên minh quân sự có thể có với Trung Quốc, Tổng thống Putin vào tháng 10.2020 nói: "Về mặt lý thuyết, điều đó là hoàn toàn có thể". Ý ông là đây chăng?

Nga là nước đàm phán cứng rắn và dày dạn kinh nghiệm, tận dụng mọi cơ hội để cải thiện quan hệ với phương Tây thông qua đối thoại, sử dụng các vấn đề như quản lý hạt nhân, chống khủng bố, năng lượng, công nghệ và tình hình ở Trung Đông làm con bài mặc cả. Tuần trăng mật cùng Trung Quốc có thể được coi là dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng bước vào một vòng đối thoại khác với phương Tây.

Điều đó nói lên rằng, duy trì quyền lực chính trị là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Putin khi Nga phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ và sự bất mãn ngày càng tăng của một số người dân. Việc đó dẫn đến khả năng Nga sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" và ký kết một liên minh với Trung Quốc. Một bước đi như vậy thậm chí có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu Nga cảm thấy bị phương Tây phớt lờ và gây áp lực.

Lằn ranh đỏ là thuật ngữ dùng để chỉ về một giới hạn, ranh giới vô hình được vạch ra nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua đó vì có nguy cơ phải đối diện với sự trừng phạt hoặc hậu quả bất lợi.

Nhân Hoàng