Người Myanmar đeo mặt nạ tố Trung Quốc 'bịt miệng' Hội đồng Bảo an, vỗ tay 5 phút vinh danh các nhóm vũ trang dân tộc
Quốc tế - Ngày đăng : 18:04, 05/04/2021
Các lãnh đạo ASEAN gặp nhau bàn về Myanmar
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1.2 lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Ít nhất 557 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh trấn áp các cuộc biểu tình và đình công trên khắp đất nước, nơi mà chính quyền đã hạn chế truy cập internet.
Indonesia đã dẫn đầu các nỗ lực của các thành viên ASEAN, trong đó Myanmar là thành viên, nhằm khuyến khích một giải pháp thương lượng, bất chấp chính sách lâu đời là không bình luận về các vấn đề trong nước của nhau.
Trong một tuyên bố chung với Malaysia, Brunei cho biết cả hai nước đã yêu cầu các bộ trưởng và quan chức cấp cao của họ thực hiện “các bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc họp sẽ được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia”.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Malaysia - Muhyiddin Yassin và Quốc vương Brunei - Hassanal Bolkiah hôm 5.4.
“Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí cho các nhà lãnh đạo ASEAN gặp nhau để thảo luận về những phát triển đang diễn ra ở Myanmar” nhưng không cho biết khi nào cuộc họp sẽ được tổ chức.
Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ lo ngại về số người thiệt mạng đang gia tăng ở Myanmar.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không xúi giục thêm bạo lực, tất cả các bên ngay lập tức thực hiện sự kiềm chế và linh hoạt tối đa”, theo tuyên bố.
ASEAN hoạt động theo sự đồng thuận nhưng quan điểm khác nhau của 10 thành viên về cách ứng phó với việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương với dân thường và chính sách không can thiệp, đã hạn chế khả năng hành động của khối.
Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore đều báo động về các vụ giết người biểu tình và ủng hộ cuộc họp cấp cao khẩn cấp về Myanmar.
Các ngoại trưởng Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore từng hội đàm riêng vào tuần trước với người đồng cấp Vương Nghị tại Trung Quốc, nước láng giềng phương bắc có ảnh hưởng của Myanmar.
Người biểu tình vỗ tay 5 phút lúc 5 giờ chiều 5.4 ủng hộ các nhóm vũ trang dân tộc
Hôm 5.4, những người biểu tình ở Myanmar đã tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu khôi phục chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi phối hợp nhiều hơn nữa trên toàn quốc bất chấp các động thái từ quân đội nhằm trấn áp các nỗ lực biểu tình phản đối đảo chính.
Theo các nhà hoạt động, 6 người đã thiệt mạng vào cuối tuần khi cảnh sát và binh lính sử dụng vũ lực để ngăn chặn các cuộc biểu tình mà một số người gọi là "cuộc cách mạng mùa xuân".
Chiến dịch chống đảo chính bao gồm các cuộc tuần hành trên đường phố, đình công bất tuân dân sự và các hành động nổi loạn kỳ lạ được tổ chức trên mạng xã hội, mà chính quyền quân đội đã tìm cách kiểm soát bằng cách đóng băng thông rộng không dây và các dịch vụ dữ liệu di động.
Những người biểu tình với biểu ngữ về bà Suu Kyi và các dấu hiệu yêu cầu sự can thiệp từ quốc tế đã tuần hành qua các đường thành phố Mandalay lớn thứ hai Myanmar.
Những người biểu tình kêu gọi phối hợp hành động trên toàn quốc ngày 5.4 để ủng hộ các đội quân dân tộc thiểu số đã đứng về phía phong trào chống đảo chính, những thanh niên đã chiến đấu với lực lượng an ninh trên đường phố mỗi ngày và cố gắng che chắn hoặc giải cứu những ai bị thương.
“Hãy vỗ tay trong 5 phút lúc 5 giờ chiều ngày 5.4 để vinh danh các tổ chức vũ trang dân tộc và những thanh niên thế hệ Z từ Myanmar, bao gồm cả Yangon, những người đang chiến đấu trong cuộc chiến cách mạng thay mặt chúng tôi”, Ei Thinzar Maung, một nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, đăng trên Facebook.
Các cuộc biểu tình ở Yangon đã trở nên dịu hơn một chút khi những người biểu tình ngày càng dựa vào các chiến thuật mới kể từ tuần trước.
Một trong số đó là tập hợp, vẫy các biểu ngữ đòi khôi phục nền dân chủ và giải tán trong vòng 10-15 phút trước khi lực lượng an ninh đến.
Những người biểu tình đang sử dụng những chiếc ô in hình biểu tượng kiểu chào bằng ba ngón tay. Nhiều người cũng đeo mặt nạ phản ánh thông điệp rằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã khiến cơ quan này không được lên tiếng thay mặt họ, một người dân Yangon cho biết.
Những người phản đối chế độ quân sự đã ghi những thông điệp phản đối vào quả trứng phục sinh hôm 4.4, như “Chúng ta phải chiến thắng” và “Cút đi MAH” - ám chỉ thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing.
Cuộc đảo chính và đàn áp các cuộc biểu tình đã gây ra làn sóng phản đối từ quốc tế, dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây với quân đội và các doanh nghiệp của họ.
Trong một bài phát biểu trước các binh sĩ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước hôm 4.4, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết lực lượng an ninh đang "thực hiện kiềm chế tối đa" với những kẻ bạo loạn có vũ trang đang gây ra bạo lực và vô chính phủ.
Áp lực từ bên ngoài đang gia tăng với quân đội trong việc ngăn chặn các vụ giết người, với một số quốc gia kêu gọi họ nhượng lại quyền lực hay tổ chức cuộc bầu cử mới sớm, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ.
Hiệp hội tù nhân chính trị (AAPP) cho biết khoảng 2.658 người đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính hôm 1.2.
Chính quyền quân sự đã công bố lệnh bắt giữ hơn 60 người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên, người mẫu và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với tội danh kích động.
Hôm 4.5 có những bức ảnh hài hước được chia sẻ trên mạng xã hội sau khi video clip rò rỉ từ cuộc phỏng vấn của CNN với phát ngôn viên quân đội Myanmar - Zaw Min Tun, trong đó CNN hỏi rằng cha của bà Suu Kyi - Tướng Aung San (anh hùng độc lập của Myanmar bị ám sát năm 1947) sẽ nghĩ gì nếu ông có thể nhìn thấy trạng thái đất nước bây giờ.
Zaw Min Tun đã trả lời trong clip vẫn chưa được phát sóng bởi đài truyền hình và được quay bởi một người không rõ danh tính.
Nắm chính quyền trong nửa thế kỷ cho đến năm 2011, quân đội Myanmar đã chứng kiến sự thù địch với các dân tộc thiểu số có vũ trang tái diễn trên ít nhất hai mặt trận, làm dấy lên lo ngại về xung đột và hỗn loạn ngày càng tăng trong nước.
Ký lệnh ngừng bắn vào năm 2012, Liên minh Quốc gia Karen đã chứng kiến cuộc không kích quân sự đầu tiên vào lực lượng của mình trong hơn 20 năm, khiến hàng ngàn người bỏ chạy sang Thái Lan. Giao tranh cũng diễn ra giữa quân đội và quân nổi dậy người Kachin ở phía bắc.
Fitch Solutions hôm 5.4 cho biết tình hình ở Myanmar đã “vượt quá mức không chắc chắn” và dự báo thận trọng rằng nền kinh tế nước này là sẽ giảm 20% trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 10.2020, thay vì tăng trưởng 2% như trước cuộc đảo chính.
Theo Fitch Solutions, việc sử dụng các cuộc không kích “đánh dấu một ranh giới mới trong phạm vi mà quân đội sẵn sàng huy động kho vũ khí của mình để dập tắt mọi bất đồng chính kiến”.