Suy nghĩ của người bỏ 69 triệu USD mua tác phẩm nghệ thuật trên nền blockchain
Văn hóa - Ngày đăng : 11:59, 06/04/2021
Ngày 11.3, bức ảnh Everydays: The First 5.000 Days của Beeple (tên thật Mike Winkelmann) được bán trên sàn đấu giá Christie với mức kỷ lục: 69 triệu USD.
Thương vụ bán tranh của Beeple mở rộng cửa cho sự phát triển của nghệ thuật trên nền blockchain. Tuy nhiên, không ít người cho rằng NFT chỉ là bong bóng khác sau Bitcoin, không có giá trị nghệ thuật.
Trong cuộc phỏng vấn với Cointelegraph, Vignesh Sundareson (tên thật của Metakovan) - nhà sưu tập nghệ thuật kỹ thuật số, người thành lập quỹ đầu tư NFT Metapurse chia sẻ lý do đằng sau quyết định bỏ 69 triệu USD để mua tệp ảnh JPG.
"NFT đáng giá gấp 10 lần tác phẩm nghệ thuật truyền thống'', ông nói.
"NFT là cách mới để nghệ sĩ bước vào thế giới"
Theo Sundareson, tác phẩm nghệ thuật ngoài đời thật chỉ có giá trị lưu trữ, dễ bị hao mòn theo thời gian và số người tiếp cận rất hạn chế. "Trong khi đó, NFT dễ dàng chuyển nhượng, không tốn bất kỳ chi phí lưu trữ, bảo hiểm và có thể chia sẻ quyền sở hữu", ông cho biết.
NFT đang dần mở đường cho cuộc cách mạng mới. “Nó là ngọn đèn hiệu cách mạng. Trong tương lai, sẽ còn nhiều nghệ sĩ với tác phẩm NFT xuất hiện”, Sundareson nói thêm.
Bên cạnh đó, mục tiêu của NFT là dân chủ hóa giới nghệ thuật bằng cách giúp đỡ các nghệ sĩ kỹ thuật số trên toàn thế giới, bất kể quốc tịch và nền tảng xã hội của họ. Ông cho rằng việc này sẽ góp phần định hình nghệ thuật trong tương lai.
"Trước khi NFT xuất hiện, giới tiền mã hóa rất chán, chỉ xoay quanh việc giao dịch mua bán. Giờ đây, chúng ta có thể tiếp cận đến văn hóa và các nghệ sĩ trên toàn cầu", nhà đầu tư đánh giá.
Tuy nhiên, thương vụ giữa Beeple và Sundareson cũng làm dấy lên không ít nghi ngờ, với mục đích thật sự là thổi phồng giá các tác phẩm NFT. Trên thực tế, quỹ Metapurse tích lũy các tác phẩm NFT, bao gồm bức ảnh của Beeple, gom lại thành gói NFT khổng lồ B.20.
B.20 được chia nhỏ thành 10 triệu token và bán lại cho mọi người, trong đó Sundareson sở hữu 59% tổng số token.
Sundareson giải thích mục tiêu của ông và quỹ Metapurse là tạo ra dự án thú vị để mọi người cùng chia sẻ quyền sở hữu các tác phẩm NFT. "Nếu tôi giữ quyền sở hữu toàn bộ tác phẩm, việc bán lại sẽ dễ dàng hơn. Tôi không làm điều này vì mục đích kinh tế mà muốn tạo ra thứ gì đó tuyệt vời hơn, đem lại cơ hội cho nghệ sĩ bước vào thế giới này", Sundareson cho biết.
''Không thể hack thời gian"
Bên cạnh đó, tác phẩm của Beeple gây hứng thú với Sundareson vì ông trân trọng "tính nhất quán, toàn vẹn và danh dự" Beeple gửi gắm qua tác phẩm. Ông cho rằng thế hệ chúng ta, những người đang sống trong thời đại Internet đều thiếu kiên nhẫn và chỉ muốn những thứ "ăn liền", có sẵn.
"Beeple, với tư cách một người nghệ sĩ, đã làm ra tác phẩm này liên tục trong 5.000 ngày không ngừng nghỉ. Điều đó hấp dẫn tôi, vì rốt cuộc thì thời gian không phải là thứ có thể 'hack' được", Sundareson bày tỏ.
Đồng sáng lập NFT Metapurse thậm chí cho rằng NFT sẽ đưa mã hóa trở thành xu hướng chính. "Rất nhiều người bước vào thế giới tiền mã hóa thông qua NFT", ông nói.
Nhà đầu tư nghệ thuật số bác bỏ những lo ngại về rủi ro tiềm ẩn của bong bóng đầu cơ đang phát triển trên thị trường NFT. "Nếu là đầu cơ cũng không sao, vì chúng thúc đẩy tốc độ phổ biến và thu hút đầu tư”, Sundareson khẳng định.
Thay vì đánh giá NFT có phải bong bóng hay không, ông cho rằng nên nhìn nhận NFT đã tạo ra ảnh hưởng ở tầm thế giới. Tương tự nhận xét của nhiều người về Bitcoin, quan điểm của nhà đầu tư cho rằng dù NFT có là bong bong sắp vỡ, các bức ảnh số dạng này vẫn tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cuối cùng, thị trường NFT sẽ ảnh hưởng đến giá các loại tiền điện tử lớn như Bitcoin và Ethereum. "Xét trên vài khía cạnh, tiền mã hóa hiện tại chỉ có tính đầu cơ chứ không hẳn là giao dịch tài chính. Điều này khiến NFT có thể trở nên giá trị hơn trong tương lai, khi nhiều người bắt đầu sử dụng nó”, Sundareson nói.