Quân đội Myanmar đề nghị tiêm vắc xin COVID-19 cho nhà ngoại giao 6 nước, thả vợ chồng người Úc

Quốc tế - Ngày đăng : 13:45, 06/04/2021

Cặp vợ chồng người Úc đã được giải phóng khỏi sự quản thúc tại gia ở Myanmar và được phép rời khỏi đất nước này mà không phải trả phí.

Chị Christa Avery và anh Matthew O’Kane bị từ chối cho phép rời Myanmar vào tháng trước khi họ chuẩn bị đáp chuyến bay về nước.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1.2, lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

Tất nhiên, tôi vô cùng nhẹ nhõm khi được trả tự do và đang trên đường cùng chồng tôi về nhà. Dù tôi biết rằng mình không làm gì sai nhưng việc bị quản thúc tại gia trong hai tuần đã rất căng thẳng”, Christa Avery nói.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết đã hỗ trợ cho đôi vợ chồng này rời thành phố Yangon lớn nhất Myanmar vào ngày 4.4.

Chúng tôi hoan nghênh việc giải phóng họ”, đại diện của Bộ này cho biết trong email.

Một người Úc khác, Sean Turnell - cố vấn kinh tế của bà Suu Kyi đã bị bắt giam ngay sau khi quân đội Myanmar nắm chính quyền và đang ở trong tù.

Tôi hy vọng rằng ngay cả khi Sean không thể được thả sớm, ít nhất ông ấy có thể được chuyển đến quản thúc tại gia để đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần và tình cảm của mình”, Christa Avery nói.

Các nhà chức trách cho biết Sean Turnell đang bị điều tra nhưng không có cáo buộc nào chống lại ông được công bố. Một luật sư của bà Suu Kyi nói tuần trước rằng Sean Turnell phải đối mặt với các cáo buộc làm lộ bí mật quốc gia, nhưng chưa có thông tin xác nhận từ quân đội Myanmar.

Hơn 2.500 người đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Stephane Dujarric, người phát ngôn của Thư ký Liên Hợp Quốc, nói Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc "đã nhận được báo cáo đáng tin cậy về ít nhất 568 phụ nữ, trẻ em và đàn ông đã thiệt mạng kể từ khi quân đội nắm quyền kiểm soát chính phủ" tại Myanmar vào ngày 1.2.

Văn phòng cho biết con số thực tế "có thể cao hơn đáng kể", Dujarric nói với các phóng viên.

Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar, đang lên kế hoạch đến đến nước này.

Kêu gọi không tổ chức lễ hội té nước

Các nhóm thanh niên từ 8 thị trấn ở Yangon kêu gọi công chúng không tổ chức lễ hội té nước hàng năm được gọi là Thingyan cho đến khi nền dân chủ của quốc gia Đông Nam Á được khôi phục.

Lễ hội dự kiến ​​diễn ra vào ngày 13 - 16.4, đánh dấu sự khởi đầu của Tết âm lịch của Myanmar.

Quân đội Myanmar đề nghị tiêm vắc xin COVID-19 cho quan chức 6 nước

Sáng nay, tờ báo nhà nước Myanmar do quân đội điều hành cho biết chính phủ đang cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin COVID-19 cho các nhà ngoại giao từ một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Brunei, Triều Tiên, Nepal, Philippines và Qatar.

Bài báo cho biết thêm vắc xin được mua qua tài chính công và được cung cấp miễn phí dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Thể thao.

quan-doi-myanmar-de-nghi-tiem-vac-xin-covid-19-cho-nha-ngoai-giao-6-nuoc.jpg
Quân đội Myanmar đề nghị tiêm vắc xin COVID-19 cho nhà ngoại giao Ấn Độ, Brunei, Triều Tiên, Nepal, Philippines và Qatar

Truy cập internet bị hạn chế đêm thứ 51 liên tiếp

Theo NetBlocks, công ty tự mô tả mình là Đài quan sát của internet, truy cập internet ở Myanmar đã bị hạn chế trong đêm thứ 51 liên tiếp.

Sau khi cắt dữ liệu di động trong nỗ lực ngăn chặn sự phản đối với chính quyền cầm quyền, hôm 2.4, quân đội Myanmar đã ra lệnh cho các nhà cung cấp internet cắt băng thông rộng không dây, tước quyền truy cập của hầu hết khách hàng.

Quân đội Myanmar đã không thông báo hoặc giải thích lệnh này.

Internet chỉ có sẵn trên các đường dây cố định, hiếm có ở Myanmar, nơi hầu hết các gia đình và doanh nghiệp kết nối thông qua mạng không dây.

Đáp lại, các nhóm ủng hộ dân chủ đã chia sẻ tần số vô tuyến, các ứng dụng ngoại tuyến hoạt động mà không cần kết nối dữ liệu và các mẹo sử dụng tin nhắn SMS thay thế cho các dịch vụ dữ liệu để liên lạc.

Từ hôm 2.4 đến nay, nhiều ảnh và thông điệp chống đảo chính vẫn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Chiến dịch chống đảo chính bao gồm các cuộc tuần hành trên đường phố, đình công bất tuân dân sự và các hành động nổi loạn kỳ lạ được tổ chức trên mạng xã hội, mà chính quyền quân đội đã tìm cách kiểm soát bằng cách đóng băng thông rộng không dây và các dịch vụ dữ liệu di động.

Ngày 5.4, những người biểu tình kêu gọi phối hợp hành động trên toàn quốc để ủng hộ các đội quân dân tộc thiểu số đã đứng về phía phong trào chống đảo chính, những thanh niên đã chiến đấu với lực lượng an ninh trên đường phố mỗi ngày và cố gắng che chắn hoặc giải cứu những ai bị thương.

Hãy vỗ tay trong 5 phút lúc 5 giờ chiều ngày 5.4 để vinh danh các tổ chức vũ trang dân tộc và những thanh niên thế hệ Z từ Myanmar, bao gồm cả Yangon, những người đang chiến đấu trong cuộc chiến cách mạng thay mặt chúng tôi”, Ei Thinzar Maung, một nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, đăng trên Facebook.

Nhân Hoàng