Mùa nóng xài điện quá nhiều, chuẩn bị thêm tiền để trả
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:18, 06/04/2021
Thông tin trên được Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) Nguyễn Văn Lý đưa ra tại buổi tọa đàm "Sử dụng điện mùa nắng nóng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm" diễn ra ngày 6.4. Ông Lý cho biết, hằng năm cứ vào quý 1 lượng tiêu thụ điện luôn tăng cao, tháng sau cao hơn tháng trước. Qua theo dõi năm nay, tháng 3 tăng cao đáng kể so với tháng 2 và tháng 1, tăng cả về công suất và lượng tiêu thụ.
Tháng 3 công suất cực đại của Tổng công ty Điện lực miền Nam trên phạm vi 21 tỉnh thành phía nam (trừ TP.HCM) là 11.423 MW, so với tháng 2 tăng trên 12%, so với tháng 1 tăng trên 11%. Sản lượng trong tháng 3 đạt 7,6 tỉ kWh, so với tháng 2 tăng 17%, so với tháng 1 tăng 11,5%.
Ông Lý phân tích: Tất cả những số liệu trên minh chứng rằng vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3, có năm nắng nóng kéo dài đến tháng 6 và thậm chí tháng 8, sẽ đẩy tiền điện trên hóa đơn tăng cao. Theo Đài Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ tháng 4 đến tháng 6 tới, nhiệt độ sẽ tăng thêm từ 0,5 đến 1 độ so với tháng 3.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi thời tiết tăng thêm 1 độ thì lượng tiêu dùng điện của người dân sẽ tăng từ 2,5 - 3%. Với tình hình này, những tháng tới đây, tiền điện trên hóa đơn sẽ tăng cao. Vì vậy, nếu người tiêu dùng không sử dụng tiết kiệm thì sẽ khó tránh khỏi việc tiền điện tăng mạnh ở hộ gia đình", ông Nguyễn Văn Lý khẳng định.
Trước tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều người lo ngại hệ thống điện của Việt Nam sẽ quá tải khiến các công ty điện lực phải cắt điện. Về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: từ năm 2019 đến nay, hệ thống điện của Việt Nam tăng trưởng nhanh về quy mô công suất. Cho đến nay đã có hơn 70.000 MW công suất điện lắp đặt trên hệ thống điện Việt Nam. Trong năm 2020, năng lượng tái tạo tăng trưởng hơn 14.000 MW, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn vừa qua.
Với công suất trên, hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 22 trên thế giới, đang tiến sát đến nước có công suất lớn nhất nhóm ASEAN là Indonesia.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, theo ông Lâm, nhu cầu tiêu dùng điện khối sản xuất và sinh hoạt không tăng mạnh nên áp lực lên hệ thống điện không cao như mọi năm. Mặc dù vậy, EVN vẫn dự phòng và chỉ đạo các đơn vị cung ứng đầy đủ điện trong mùa nắng nóng này.
Với hệ thống điện hiện nay của Việt Nam, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định: "Nếu không có trường hợp gì rất đặc biệt xảy ra thì hệ thống điện Việt Nam luôn đảm bảo cung ứng đủ điện liên tục và an toàn trong năm 2021 và những năm tiếp theo".
Còn về việc điều chỉnh giá điện thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết việc điều hành giá điện đang được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, là điều hành theo thị trường. Vì vậy, giá điện sẽ được điều chỉnh tùy theo các yếu tố đầu vào như: tỷ giá, giá nguyên liệu..., nghĩa là giá các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện bán lẻ sẽ tăng.
Ông Tuấn nói thêm: "Giá bán lẻ điện hiện được triển khai theo Quyết định 648 kể từ ngày 20.3.2019. Vì vậy không có việc điều chỉnh giá điện tại thời điểm này".
Để hạn chế tiền điện các tháng mùa khô tăng cao đột biến, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) khuyến nghị khách hàng tiết kiệm điện. Ngoài việc tiết kiệm chi phí cho chính người tiêu dùng, đây còn là giải pháp giúp giảm nguy cơ sự cố điện.
EVN HCMC đồng thời khuyến cáo khách hàng không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm, tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao, tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên.
Các doanh nghiệp, cơ quan công sở cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng.