Lần đầu cấy ghép phổi của người còn sống cho bệnh nhân COVID-19: Chồng, con hiến tặng
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 12:11, 08/04/2021
Bệnh viện Đại học Kyoto đã cấy ghép mô phổi từ hai người còn sống cho một bệnh nhân COVID-19 bị viêm phổi nghiêm trọng. Đây là ca ghép phổi từ người còn sống đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân COVID-19, theo thông báo của bệnh viện hôm 8.4.
Trong khi đã có từ 20 đến 40 ca ghép phổi ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ cho bệnh nhân COVID-19, tất cả những người hiến tặng đều đã chết não.
"Ca ghép phổi từ người hiến tặng còn sống đầu tiên trên thế giới được kỳ vọng sẽ là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho những bệnh nhân bị rối loạn phổi nghiêm trọng", Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết trong thông cáo báo chí.
Bệnh nhân là một phụ nữ sống ở vùng Kansai, nơi có Bệnh viện Đại học Kyoto. Sau khi bị nhiễm COVID-19 vào cuối năm ngoái, tình trạng của cô xấu đi nhanh chóng và cả hai lá phổi bắt đầu hỏng.
Sau khi trải qua một đợt điều trị kéo dài 3 tháng bằng phương pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể, người phụ nữ này đã được đưa vào Bệnh viện Đại học Kyoto hôm 5.4. Bệnh nhân được nhận các bộ phận phổi từ chồng và con trai trong ca phẫu thuật kéo dài 11 giờ hôm 7.4. Bệnh viện cho biết hai người hiến tặng đều có sức khỏe tốt.
Dù bệnh nhân có kết quả âm tính với COVID-19 trong xét nghiệm PCR, "không có hy vọng hồi phục sau tình trạng rối loạn phổi và cách duy nhất để cứu sống cô ấy là ghép phổi", theo bệnh viện.
Việc ghép phổi từ người còn sống chỉ áp dụng cho những người dưới 65 tuổi không bị tổn thương các cơ quan khác.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 có xu hướng mắc các bệnh lý tiềm ẩn. Điều này có thể hạn chế số lượng bệnh nhân đủ điều kiện để phẫu thuật, bệnh viện cho biết thêm.
Ngày 11.6.2020, cô gái ở Mỹ bị viêm phổi dẫn đến sẹo phổi do COVID-19 đã được ghép cả hai lá phổi, theo các bác sĩ Bệnh viện Northwestern Memorial ở thành phố Chicago.
Đây được xem là ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Mỹ.
Bệnh nhân là cô gái Mỹ gốc Tây Ban Nha 20 tuổi, nằm 6 tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt, được bác sĩ chỉ định đặt ECMO để tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể thay thế chức năng tim và phổi.
Bác sĩ Ankit Bharat, Trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện Northwestern Memorial, cho biết: “Vào đầu tháng 6.2020, phổi của bệnh nhân cho thấy tổn thương không hồi phục và ghép phổi là lựa chọn duy nhất. Nếu không được ghép phổi, cô ấy sẽ không còn sống”.
Ngày 5.6.202, bệnh nhân đã trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 10 giờ và trong tình trạng ổn định.
Cột mốc quan trọng này cho thấy quy trình ghép tạng dù khá khó khăn về mặt kỹ thuật nhưng có thể cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 nặng một lựa chọn khác để sống sót, bác sĩ phẫu thuật Bharat nói.