Sự hà khắc với nghề người mẫu tại các nước Hồi giáo
Văn hóa - Ngày đăng : 14:32, 08/04/2021
Mới đây, 40 người mẫu bị tạm giam vì hành vi khỏa thân ngoài ban công một khách sạn ở Dubai đã gây xôn xao dư luận. Những người xuất hiện trong buổi chụp có thể bị phạt 1.000 bảng Anh (khoảng 1.400 USD)/ người và sáu tháng tù giam. Việc chia sẻ hình ảnh khiêu dâm có thể bị phạt đến 10.000 bảng Anh (khoảng 14.000 USD).
Vụ việc này được xem là cú sốc với người dân UAE. Việc quay video, truyền bá văn hóa khiêu dâm bị xem là "tội ác" ở quốc gia Hồi giáo, nơi đề cao sự kín đáo.
Trong quá khứ đã có rất nhiều người mẫu Hồi giáo bị tẩy chay và khinh thường vì làm người mẫu, chụp ảnh nude. Nghề người mẫu ở các nước Hồi giáo luôn bị nhìn nhận dưới cái nhìn hà khắc, mẫu nữ ở đây bị xem là hư hỏng và mẫu nam là những người chẳng có tài cán gì.
Siêu mẫu người A rập - Israel Huda Naccache cho biết cô đã phải cố gắng vượt qua những lời gièm pha, phỉ báng cùng sự giận dữ của người dân trong nước khi mặc bikini xuất hiện trên bìa báo. Người Saudi Arabia đã từng gọi đây là “cú sốc lớn” khi chứng kiến hình ảnh táo bạo của Naccache khi cô 23 tuổi.
Người mẫu Thổ Nhĩ Kỳ - Sila Sahin xuất hiện khoả thân trên tạp chí Playboy của Đức vào năm 2011 còn là một sự kiện chấn động hơn nữa. Gia đình Sahin đã phản ứng giận dữ với hành động nổi loạn của cô, thậm chí mẹ cô còn cắt đứt liên lạc với con gái.
Đối với Sahin, trở thành phụ nữ Hồi giáo đầu tiên thoát y trên Playboy thực sự là một cuộc cách mạng. Cô xem đây là một cơ hội để phát đi một tuyên bố chính trị về phụ nữ Hồi giáo và quyền đưa ra quyết định riêng về cơ thể họ.
Chia sẻ về câu chuyện của mình, Sila Sahin khẳng định: “Tôi quyết định thực hiện những bức hình đó bởi tôi muốn mình được tự do. Những bức hình này là tuyên ngôn của tôi, quyết giã từ với những luật lệ ràng buộc khắt khe và cổ hủ mà tôi đã chịu đựng suốt từ thời thơ ấu đến nay”.
Sự xuất hiện của Sahin trên Playboy đã làm bùng phát cuộc tranh cãi tại Đức về các phụ nữ có nguồn gốc nhập cư và những quy định về văn hóa và tôn giáo mà họ thường phải đối mặt. Nhiều người tại Đức đã ủng hộ quan điểm của Sahin tuy nhiên cũng có rất nhiều người khác lại bày tỏ sự không đồng tình. Một số thành viên trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức cho rằng các bức ảnh là một sự hổ thẹn và không phải là điều mà một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ hay Hồi giáo nên làm.
Hầu hết những nước theo đạo Hồi vẫn giữ thái độ rất hà khắc với người mẫu. Chẳng hạn tại Pakistan, các áp phích quảng cáo thời trang sử dụng mẫu nữ rất hiếm xuất hiện trên phố. Lý do là bởi các nhà thiết kế sợ sẽ châm ngòi cho những cơn thịnh nộ của các tín đồ đạo Hồi.
Năm 2012, hàng loạt biển quảng cáo thời trang ở Pakistan bị sơn đen và viết lên dòng chữ “Bán quần áo, đừng bán danh dự” chỉ bởi sự xuất hiện của một mẫu nữ trong chiếc đầm hở vai. Theo quan niệm của các tín đồ đạo Hồi Pakistan, một phụ nữ đoan chính cần phải “che chắn” đầy đủ khi ra đường.
Ở Afghanistan, tháng 2.2013 diễn ra một buổi trình diễn thời trang nghiệp dư với chỉ 7 mẫu nữ. Đây là một sự kiện nhỏ được tổ chức trong một nhà hàng ở thành phố Kabul với ánh nến thay cho ánh đèn sân khấu. Tuy vậy, đây vẫn là một sự kiện gây xôn xao dư luận bởi lần đầu tiên phụ nữ Afghanistan bước lên một sàn diễn thời trang.
Những bộ trang phục mang tính “cách mạng” được sử dụng tại buổi trình diễn này chỉ đơn giản là những bộ đầm tay ngắn, quần jean, áo phông… Ở Afghanistan, khi ra khỏi nhà, phụ nữ phải trùm khăn kín mít từ đầu đến chân, nên những bộ trang phục như vậy bị coi là… quá hở hang.
Không chỉ có người mẫu nữ phải chịu sự khinh miệt, dè bỉu mà cả những người mẫu nam cũng phải chịu cảnh tương tự. Ở các nước đạo Hồi, người ta quan niệm chỉ có những người con trai không có tài cán mới đi làm người mẫu.
Tại Iran cũng vậy, nhiều người mẫu muốn chụp ảnh bán khoả thân nghệ thuật nhưng sau đó phải sống trong sợ hãi. Một số người từng phải bỏ trốn khỏi đất nước mình vì không muốn phải đi tù và trở thành tâm điểm của sự phỉ nhổ.
Hồi 2011, Veena Malik, nữ diễn viên nổi tiếng của Pakistan đã khởi kiện tạp chí FHM phiên bản Ấn Độ do đăng ảnh khoả thân của cô. Nữ diễn viên cho rằng tạp chí này đã chỉnh sửa ảnh của mình từ diện bikini sang khoả thân, đồng thời yêu cầu khoản bồi thường 2 triệu USD. Những bức ảnh nóng bỏng của Veena Malik xuất hiện trên tạp chí, những phần tử Hồi giáo cực đoan đã đe dọa, đòi giết nữ người mẫu do cô vi phạm thuần phong mỹ tục.
Tuy nhiên, ông Kabeer Sharma, tổng biên tập của FHM Ấn Độ, cho biết Veena Malik bối rối chỉ vì lo sợ làn sóng tẩy chay, hăm dọa đến từ quốc gia Hồi giáo Pakistan. Ông có đủ bằng chứng từ hình ảnh, video hậu trường chứng minh loạt ảnh khỏa thân là thật.
Sự hà khắc tại các nước Hồi giáo khiến cho người mẫu nước ngoài cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn vì những quy tắc khắt khe. Halima Aden - người được mệnh danh là siêu mẫu đầu tiên mặc hijab (khăn trùm đầu đặc trưng Hồi giáo) lên sàn diễn tiết lộ cô phải đối mặt với nhiều khó khăn, định kiến.
Chính những sức ép này cũng đã khiến cho Haima Aden quyết định giải nghệ vào năm ngoái. Cô cho rằng công việc người mẫu ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin tôn giáo của mình. Halima chia sẻ rằng cô không còn nhận ra bản thân sau những hình ảnh xuất hiện với tư cách là người mẫu.
Halima là một người Hồi giáo, và đối với họ không có gì quan trọng hơn niềm tin tôn giáo như hơi thở cuộc sống của họ. Việc thay đổi nhiều hình ảnh khác nhau, nhiều lúc khiến Halima phải cởi bỏ khăn trùm đầu, ăn mặc thiếu vải. Đối với cô đây là một việc làm không thoải mái.
Trước sự đấu tranh nội tâm gay gắt của Halima, nhiều bạn bè và người thân cũng khuyên cô nên bỏ nghề. Mẹ Halima cũng tán thành việc cô giải nghệ vì sợ cô đánh mất chính mình và đi ngược lại với đức tin.
Sau quyết định giải nghệ, Halima đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù có gây nhiều tiếc nuối nhưng quyết định giải nghệ của Halima vẫn được những đàn chị trong nghề như siêu mẫu Naomi Campbell, Gigi Hadid bày tỏ sự ủng hộ. Đặc biệt Gigi còn nhấn mạnh rằng, không có gì quan trọng hơn việc "được là chính mình".