Mỹ lên tiếng về lực lượng Nga đông đảo ở biên giới Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 17:37, 09/04/2021

Ngày 8.4, Nhà Trắng cho biết Nga đóng quân ở biên giới phía đông của Ukraine nhiều hơn bao giờ hết tính từ năm 2014. Năm 2014 Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ việc chiếm giữ lãnh thổ của phe ly khai, còn Mỹ thì lo ngại trước “các cuộc xâm lược của Nga”.
jen-psaki-harris.jpg
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tổ chức một cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày .4.2021.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong một cuộc họp báo rằng Mỹ đang thảo luận về mối quan ngại của mình với các đồng minh NATO.

Sự đóng quân của Nga đã trở thành điểm xung đột mới nhất trong mối quan hệ ngày càng đi xuống giữa chính quyền Moscow và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, thêm vào đó là các tranh chấp về kiểm soát vũ khí, nhân quyền và các vấn đề khác.

Ông Biden tuần trước đã bày tỏ “sự ủng hộ nhiệt liệt” đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong cuộc đối đầu với Nga, quốc gia vào năm 2014 đã sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai chiếm giữ phần lớn miền Đông Donbas.

Nga cho biết quân đội của họ không phải là mối đe dọa và chỉ ở tư thế phòng thủ, nhưng họ sẽ nán quân tại đây cho đến khi Điện Kremlin ra quyết định mới.

Bà Psaki nói rằng Mỹ “ngày càng lo ngại về các cuộc xâm lược leo thang gần đây của Nga ở miền đông Ukraine, bao gồm cả việc chuyển quân của Nga ở biên giới Ukraine”.

Bà Psaki nói thêm: “Nga hiện có nhiều binh sĩ hơn bất cứ lúc nào tính từ năm 2014", và cho biết 5 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong tuần qua.

Bà Psaki không nêu chi tiết về số lượng quân Nga được điều động ở biên giới Ukraine, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền Biden đưa ra mô tả về quy mô của lực lượng đóng quân của Nga.

Vào tháng 3.2014, xung đột ở miền đông Ukraine leo thang. Theo ước tính của các nước phương Tây thì số lượng binh lính, quân đội, dân quân hoặc lực lượng đặc biệt của Nga ở biên giới Ukraine vào thời điểm đó phải từ 25.000 đến hơn 30.000.

Thông báo của bà Psaki được đưa ra vài giờ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel, một thành viên NATO đã có một cuộc điện đàm yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin rút quân về nước nhằm giảm leo thang tình hình.

Hoàng Phương