Kinh tế Myanmar suy yếu đáng ngại, quân đội vẫn thu hàng chục triệu USD nhờ bán đá quý
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:50, 10/04/2021
Dữ liệu kinh tế mới từ các nhóm nghiên cứu tư nhân cho thấy nền kinh tế Myanmar đang xấu đi nhiều hơn mức đáng lo ngại sau cuộc đảo chính ngày 1.2, với nguy cơ lạm phát tăng vọt, giao thương sụp đổ và nghèo đói gia tăng.
Những ngày gần đây đã chứng kiến hành động đáng chú ý của quân đội với tài nguyên thiên nhiên Myanmar, với cuộc đấu giá hàng triệu USD. Cụ thể là đấu giá đá quý, ngọc bích và ngọc trai 10 ngày ở Thủ đô Naypyitaw.
Phương tiện truyền thông nhà nước cho biết doanh thu từ việc bán đá quý, ngọc trai và ngọc bích trong cuộc đấu giá hiện tại, kết thúc vào ngày 10.4, đã lên tới từ 1 triệu đến 6,4 triệu USD mỗi ngày. Chẳng hạn, vào ngày 8.4, chỉ riêng doanh thu bán ngọc bích được báo cáo đã lên tới 9,2 tỷ kyat (6,4 triệu USD).
Các cuộc đấu giá đá quý thường xuyên được tổ chức bởi các công ty liên kết với hai tập đoàn do quân đội kiểm soát là Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC).
Nhấn mạnh việc quân đội Myanmar nắm giữ các ngành công nghiệp khai thác, Bộ Tài chính Mỹ hôm 7.4 đã thêm một nhà cung cấp ngọc bích do họ quản lý vào danh sách đen tài chính. Hành động mới nhất của chính quyền Biden nhắm vào Myanmar Gems Enterprise (còn được gọi là Myanmar Gems Corp) nhằm hạn chế các nguồn tài trợ cho quân đội Myanmar.
Trước đó, chính quyền Biden đã trừng phạt Myanmar Ruby Enterprise, Myanmar Imperial Jade Co và Cancri (Gems and Jewellery) Co - tất cả nhà kinh doanh đá quý do quân đội kiểm soát, cùng hai tập đoàn MEHL và MEC.
Kể từ cuộc đảo chính hôm 1.2, sự kết hợp bạo lực leo thang của lực lượng an ninh quân đội chống lại thường dân (hơn 600 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị giam giữ) và sự phản kháng trên toàn quốc với chế độ đã ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đã suy yếu do các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch COVID-19 năm ngoái.
Ngày 1.4, Fitch Solutions, chi nhánh của tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings, đã điều chỉnh dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ giảm 20% trong năm tài chính tính đến hết tháng 9.2021, thay vì tăng trưởng 2% như trước cuộc đảo chính, đặc biệt sẽ giảm mạnh ở hầu hết lĩnh vực chính, từ xuất khẩu, đầu tư đến tiêu dùng chung, thu thuế và chi tiêu của chính phủ cho việc cứu trợ COVID-19.
"Chắc chắn, suy sụp kinh tế là chiến lược quan trọng được các cuộc biểu tình chống đảo chính áp dụng", báo cáo của Fitch Solutions lưu ý, trích dẫn phong trào bất tuân dân sự đã thúc giục công chức và nhân viên khu vực tư nhân không đi làm, dẫn đến lực lượng quân đội đàn áp người biểu tình và dân thường.
Fitch Solutions nói: “Chúng tôi tin rằng sự bất ổn xã hội gia tăng trong nước sẽ làm tê liệt tất cả khía cạnh của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo chi tiêu. Không có trường hợp xấu nhất nào với nền kinh tế mà chúng ta có thể loại trừ".
Dự báo của Fitch Solutions vượt đáng kể so với dự báo gần đây từ Ngân hàng Thế giới về mức giảm 10% của nền kinh tế Myanmar trong năm nay và phản ánh dự báo tương tự của các nhà kinh tế tư nhân. Những ngày gần đây, họ cảnh báo rằng nền kinh tế Myanmar đang trong tình trạng "rơi tự do".
Trong lưu ý về Triển vọng Chính sách Vĩ mô kèm theo, Ngân hàng Thế giới cho biết tình trạng hỗn loạn sẽ làm phức tạp thêm những thách thức phúc lợi hiện có mà những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Myanmar phải đối mặt, "có khả năng sẽ dẫn đến gia tăng nghèo đói, rủi ro an ninh lương thực tăng cao và tình trạng nghèo đói sâu sắc hơn cho những người đã nghèo".
Dù một số nguồn thu quan trọng có thể bị ảnh hưởng do kinh tế suy sụp, chính quyền quân sự Myanmar vẫn có thể thu lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Myanmar giàu khoáng sản, có trữ lượng lớn ngọc bích, hồng ngọc, vàng, đồng, thiếc, đá cẩm thạch và kim loại đất hiếm, ngoài các mỏ khí đốt ngoài khơi. Một cuộc điều tra của cơ quan giám sát tham nhũng Global Witness ước tính giá trị doanh số bán hàng của ngành công nghiệp ngọc bích của Myanmar lên tới 31 tỉ USD vào năm 2014, tương đương gần một nửa GDP của đất nước, với phần lớn số tiền được chuyển cho quân đội và giới tinh hoa khác kiểm soát hoạt động buôn bán.
Trong một ước tính thận trọng hơn, Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai thác (Extractive Industries Transparency Initiative - EITI), tiêu chuẩn toàn cầu về tính minh bạch trong ngành dầu khí và khai thác, ước tính rằng hơn 820 triệu euro (975 triệu USD) đá quý đã được bán tại các cơ sở của Myanmar trong năm tài chính 2017-18. Một báo cáo khác của EITI vào năm 2016 ước tính rằng 60-80% đá quý của Myanmar không được khai báo và tránh bị đánh thuế.
Năm 2016, các thị trường xuất khẩu khoáng sản chính của Myanmar là Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ.
Dưới thời chính phủ Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi và người tiền nhiệm là Tổng thống Thein Sein, các đạo luật đã được thông qua để cố gắng điều chỉnh các ngành công nghiệp khai thác đá, ngọc bích và khai thác gỗ quý của Myanmar. Thế nhưng, các công ty quân sự vẫn duy trì lợi ích kinh doanh mạnh mẽ trong các lĩnh vực này và có khả năng phục hồi, mở rộng phần lớn hoạt động buôn bán này.
Theo số liệu thống kê thương mại của Liên Hợp Quốc, một nguồn thu quan trọng khác của chính quyền quân sự là xuất khẩu khí đốt tự nhiên, trị giá 3,3 tỉ USD vào năm ngoái.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khí đốt cùng với xuất khẩu hàng may mặc là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế Myanmar trong giai đoạn 2018-19, trước khi COVID-19 bùng phát.
Tin Tun Naing, Bộ trưởng song hành về đầu tư và quan hệ kinh tế đối ngoại được bổ nhiệm bởi Ủy ban đại diện Hạ viện Myanmar (CRPH) của các nhà lập pháp dân cử bị lật đổ, vào tháng trước đã thúc giục các công ty dầu khí nước ngoài đình chỉ mọi quan hệ với chính quyền và ngừng tất cả khoản thanh toán doanh thu .
"Các nhà khai thác dầu khí mang lại nguồn doanh thu chính cho Myanmar. CRPH và tôi lo ngại rằng doanh thu thu được từ các nhà khai thác dầu khí rất có thể được sử dụng để duy trì chế độ bạo lực của quân đội hiện tại và làm giàu cho các tướng lĩnh", ông Tin Tun Naing viết trong một bức thư ngày 5.3 gửi cho các công ty dầu khí nước ngoài.
Công ty Total (Pháp), nhà điều hành chính của mỏ khí đốt ngoài khơi Yadana (Myanmar), xác nhận sẽ tiếp tục nộp thuế và các khoản phí khác cho nhà nước để bảo vệ nhân viên khỏi tình trạng cưỡng bức lao động và duy trì nguồn cung cấp điện. Song trước sức ép của dư luận, Total cho biết sẽ đóng góp số tiền thuế hàng tháng tương đương 4 triệu USD cho các nhóm nhân quyền.
Tuy nhiên, trong điều kiện có thể là nền kinh tế hai chiều mới nổi, một số chuyên gia dự đoán rằng các quỹ sẽ tiếp tục chảy vào giới tinh hoa liên hệ với quân đội và cả vào chi tiêu quốc phòng mới để tiếp tế cho quân đội khi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng.
Một báo cáo gần đây của các nhà kinh tế liên kết với các tổ chức tài chính Myanmar cảnh báo rằng nền kinh tế sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các lĩnh vực mà quân đội và các chi nhánh của nó có vị trí thống trị trên thị trường, đặc biệt là dầu khí, khai thác mỏ, vận tải và gỗ.
"Các hoạt động kinh doanh của quân đội đa dạng hóa ở thập kỷ qua và họ cũng sẽ dễ bị tổn thương bởi cú sốc kinh tế. Thế nhưng, quân đội và đồng minh ở vị trí tốt hơn so với công chúng để chống chọi với suy thoái kinh tế - trừ khi hoạt động kinh doanh của họ bị nhắm mục tiêu một cách có chủ ý và toàn diện. Họ có quyền kiểm soát trong các lĩnh vực chủ chốt và một số có khả năng sở hữu nhiều tài sản nước ngoài”, trích báo cáo được trang Nikkei chia sẻ.
“Tôi không nghĩ có ai có thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm kinh tế khi cuộc đảo chính xảy ra vào tháng 2”, đồng tác giả báo cáo nói.
Trong các chỉ số khác, Fitch Solutions cho biết tiêu dùng tư nhân, chiếm 55% GDP Myanmar, sẽ tiếp tục suy yếu. Fitch Solutions trích dẫn các nguồn tin nói rằng nhiều cửa hàng không cần thiết ở Myanmar đã đóng cửa do bạo lực gia tăng.
Trong khi đó, tổng vốn cố định, chiếm 31% GDP, có thể xảy ra sự sụp đổ lớn.
Fitch Solutions cảnh bá tiêu dùng của chính phủ, chiếm 18% GDP, cũng sẽ giảm.
"Với việc thu thuế gần như không tồn tại trong cuộc khủng hoảng, chúng tôi tin rằng chính quyền quân sự đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt. Về xu hướng chi tiêu, chi tiêu cho cứu trợ COVID-19 có thể sẽ giảm trong bối cảnh khủng hoảng", theo Fitch Solutions.
Báo cáo cũng dự báo nguy cơ lạm phát tăng vọt trong những quý tới, "ngay cả khi điều này có thể chưa xảy ra trong năm tính đến ngày 30.9". Đối mặt với việc thu thuế ngày càng giảm và áp lực lên các nguồn thu khác, có khả năng ngân hàng trung ương do chính quyền kiểm soát sẽ in thêm tiền để hỗ trợ tài chính của quân đội, nên sẽ thúc đẩy lạm phát.
"Với 1/4 dân số nghèo ở Myanmar và tỷ trọng có khả năng tăng trong cuộc khủng hoảng này, lạm phát quá mức sẽ đè nặng lên tiêu dùng tư nhân. Lạm phát quá mức cũng sẽ nhanh chóng làm xói mòn lợi nhuận đầu tư và do đó ngăn cản đầu tư", Fitch Solutions lưu ý.
Giao thương quốc tế cũng có khả năng sụp đổ, trong đó xuất khẩu dự kiến sẽ giảm với quặng khoáng sản và nhiên liệu chính - chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Myanmar.
Fitch Solutions cảnh báo xuất khẩu hàng hóa nói chung sẽ giảm 60% trong năm tài chính tính đến ngày 30.9. Theo Fitch Solutions, ngay cả khi nhu cầu toàn cầu phục hồi, Myanmar có thể sẽ chứng kiến xuất khẩu hàng hóa sản xuất giảm mạnh trong năm tài chính này.
“Chúng tôi tin rằng các nhà sản xuất lương thực trong nước có khả năng tích trữ nông sản hơn là xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay”, Fitch Solutions cho hay.