Cảnh tắm khỏa thân trong hội họa, từ lịch sử đến đương đại
Văn hóa - Ngày đăng : 14:05, 10/04/2021
Dù đề tài này cũng cổ xưa như đề tài khỏa thân trong hội họa, nhưng vị trí của nó trong dòng chảy nghệ thuật thì chưa bao giờ lỗi thời, thậm chí sẽ mãi là một đề tài có tính đương đại ở mọi thời kỳ.
Trong đời sống con người từ xa xưa, tắm không chỉ là việc... vệ sinh, mà đôi khi còn được xem như một nghi thức quan trọng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trên đảo Crete (Hy Lạp) những công trình đặc biệt chỉ dành riêng cho việc tắm gội, những công trình này được dựng lên từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Cảnh tắm là một đề tài quen thuộc được khắc họa trên các bình, vò của người Hy Lạp cổ đại. Cảnh tắm cũng được đề cập tới nhiều trong thần thoại Hy Lạp - La Mã, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tắm trong ý niệm của người xưa.
Nhà thơ người Ý - Ovid sống ở thế kỷ thứ 1 từng kể câu chuyện thần thoại về chàng thợ săn Actaeon và nữ thần Diana trong tuyển tập thơ thần thoại "Metamorphoses" của mình. Câu chuyện dữ dội kể rằng chàng Actaeon, một thợ săn, khi đang theo dấu con mồi thì vô tình bắt gặp nữ thần Diana tắm trong rừng cùng với các nàng tiên nữ.
Quá giận dữ, nữ thần Diana đã biến Actaeon trở thành một con nai và khiến chàng bị chính bầy chó săn của mình... xé xác. Về sau, câu chuyện về chàng Actaeon xấu số đã trở thành một đề tài được các họa sĩ Phục hưng yêu thích và tạo nên những siêu phẩm lưu truyền hậu thế.
Cảnh tắm trong hội họa Phục hưng
Đáng kể hàng đầu là bức "Diana và Actaeon" thực hiện từ năm 1556 - 1559 bởi danh họa Titian, một bậc thầy của hội họa Phục hưng chuyên khắc họa những nữ thần khỏa thân đẹp mê hoặc và những cuộc đi săn dữ dội (hai đề tài mà Titian biết rằng các khách hàng quý tộc của mình vô cùng ưa chuộng).
Những tác phẩm khắc họa cảnh tắm khác được thực hiện bởi các danh họa thời Phục hưng còn có thể kể tới bức "Người phụ nữ bắt con ruồi" thực hiện năm 1638 bởi họa sĩ người Pháp Georges de La Tour.
Danh họa người Hà Lan Rembrandt từng thực hiện bức "Bathsheba trong nhà tắm" hồi năm 1654, đây được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Rembrandt. Bức tranh vừa gợi cảm vừa giàu xúc cảm, xoay quanh câu chuyện về nàng Bathsheba xinh đẹp, nhà vua đem lòng yêu nàng nên đã sắp đặt để chồng nàng phải ra chiến trường.
Số phận của người chồng đã sớm bị định đoạt, chàng phải chết. Bức họa của Rembrandt được khắc họa từ góc nhìn của chính... nhà vua, khi ông ta đang ngắm trộm nàng Bathsheba tắm.
Dù câu chuyện cổ này đã được rất nhiều họa sĩ thể hiện qua nét cọ của mình, đặc biệt là chi tiết nhà vua ngắm nàng Bathsheba tắm, nhưng bức họa của Rembrandt đặc biệt hơn các tác phẩm khác bởi nó có một sự tập trung cao độ với cấu trúc chặt chẽ nhấn vào nhân vật người đẹp, làm toát lên vẻ đẹp tuyệt trần, những nét cọ và các gam màu được nhận định là đỉnh cao tuyệt mỹ.
Bức họa không chỉ khắc họa vẻ đẹp của nàng Bathsheba mà còn đặc tả được sự giằng xé nội tâm của nàng, khi người chồng ra trận, lành ít dữ nhiều, nàng ở nhà bị nhà vua si mê, ông ta bày ra mưu kế nhằm quyến rũ nàng, để có được nàng một cách trọn vẹn.
Bức họa đặc tả được cả dáng hình và nội tâm nhân vật. "Bathsheba trong nhà tắm" được nhiều nhà phê bình hội họa đánh giá là một trong những bức họa vĩ đại nhất của hội họa phương Tây (tác phẩm hiện trưng bày ở bảo tàng Louvre, Paris, Pháp).
Cảnh tắm trong hội họa Pháp thế kỷ 18-19
Trong hội họa Pháp thế kỷ 18-19, những danh họa như François Boucher, J.A.D. Ingres, và Eugène Delacroix đều mượn ý niệm thanh cao, thoát tục của việc gột rửa, nhằm sử dụng cảnh tắm như một cái nền đẹp đẽ để biểu đạt vẻ đẹp khỏa thân một cách tự nhiên, mềm mại.
Cảnh tắm trong hội họa hiện đại
Khi đời sống ngày càng trở nên hiện đại, việc đưa hệ thống dẫn nước vào trong nhà trở nên phổ biến trong các biệt thự của giới nhà giàu, hiện tượng này xuất hiện cùng thời điểm với những bước đi mới của hội họa hiện đại.
Cảnh tắm trước đó vốn được khắc họa trong quang cảnh ngoài trời, trong hồ nước, dòng suối, giờ đây được thay đổi bối cảnh, đưa vào trong phòng kín và tạo nên những hình ảnh nhân vật với cá tính, biểu cảm hoàn toàn khác lạ.
Những bức tranh khắc họa phụ nữ tắm của danh họa người Pháp Edgar Degas cho thấy rõ ràng cảnh tắm từ một hoạt động có tính cộng đồng, đã trở thành một việc riêng tư của mỗi người.
Thời kỳ này, cảnh tắm tiếp tục mê hoặc những họa sĩ hiện đại như Georges Seurat, Pierre-Auguste Renoir, Paul Cézanne, và Paul Gauguin, họ khắc họa một đề tài có tính truyền thống theo những cách nhìn mới, dạng thức mới để biểu đạt vẻ đẹp hình thể.
Chẳng hạn như bức "Những người đi tắm ở Asnières" của Georges Seurat khắc họa cảnh tắm sông với một phong cách khiến người xem đương đại cảm thấy tác phẩm không có sự xa cách về mặt thời gian.
Bức họa đặc tả một nhóm người đi tắm sông và nằm nghỉ bên bờ sông. Quan sát kỹ hơn, người ta thấy tác phẩm hé lộ những chi tiết đương đại: Ở phía chân trời, có những nhà máy công nghiệp thuộc ngoại thành Paris, những nhà máy này nhả khói lên bầu trời.
Cảnh tắm trong hội họa thế kỷ 20
Ở thập niên 1920, cảnh tắm vẫn rất quen thuộc trong hội họa hiện đại, Matisse, Georges Braque, Pablo Picasso, Pierre Bonnard, và Jean Metzinger đều khắc họa cảnh tắm với những nét hiện đại của hội họa thế kỷ 20.
Trường phái lập thể biến hóa hình hài quen thuộc của những người phụ nữ trở thành những mảng khối lạ lùng. Trường phái siêu thực còn đi xa hơn thế, như Salvador Dalí, ông chỉ khắc họa một phần hình thể của nhân vật. Joan Miró thậm chí khắc họa theo kiểu "ý niệm" đến mức người xem... chẳng thấy nhân vật đâu.
Xuyên suốt lịch sử hội họa, cảnh tắm vẫn thường gắn liền với hình ảnh người phụ nữ. Có rất ít tranh khắc họa cảnh... đàn ông tắm, được biết tới nhiều nhất chắc chỉ có bức "Les Baigneurs" của Picasso. Đề tài hội họa khắc họa cảnh tắm chính là một biến thể của đề tài khỏa thân, ở đó, người ta tìm thấy vẻ đẹp, sự tôn vinh cái Đẹp.
Vẻ đẹp con người và những xúc cảm chân thật luôn là đề tài hấp dẫn đối với mọi thời đại, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của từng thời kỳ. Bằng cách làm mới, làm sống động một đề tài cũ, các họa sĩ đã làm đổi thay nghệ thuật qua từng thời kỳ.