Liên minh 3 nhóm vũ trang dân tộc tấn công đồn cảnh sát Myanmar, giết 14 người

Quốc tế - Ngày đăng : 16:11, 10/04/2021

Phản đối chiến dịch đàn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính, liên minh 3 nhóm vũ trang dân tộc ở Myanmar đã tấn công một đồn cảnh sát ở miền đông hôm 10.4 làm 14 người thiệt mạng.

Trang Shan News đưa tin đồn cảnh sát ở khu vực Naungmon, bang Shan, miền đông Myanmar đã bị các chiến binh từ liên minh bao gồm Quân đội Arakan, Quân Giải phóng Quốc gia Ta’ang và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar tấn công vào sáng sớm 10.4.

Shan News cho biết ít nhất 10 cảnh sát đã thiệt mạng. Trong khi hãng tin Shwe Phee Myay đưa ra số người thiệt mạng là 14.

Shan là một bang của Myanmar, lấy tên từ người Shan, một trong những dân tộc sống ở khu vực này. Đây là bang rộng nhất trong 14 bang và các phân chia hành chính khác của Myanmar.

Phát ngôn viên quân đội Myanmar đã không trả lời các cuộc gọi tìm kiếm bình luận.

lien-minh-3-nhom-vu-trang-dan-toc-tan-cong-don-canh-sat-myanmar-1-.jpg
Quân đội Arakan
lien-minh-3-nhom-vu-trang-dan-toc-tan-cong-don-canh-sat-myanmar-2-.jpg
Quân Giải phóng Quốc gia Ta’ang
lien-minh-3-nhom-vu-trang-dan-toc-tan-cong-don-canh-sat-myanmar-3-.jpg
Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar

Theo một nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 618 người đã bị quân đội giết hại trong chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1.2. Khi bạo lực leo thang, khoảng 10 nhóm vũ trang dân tộc đã lên án quân đội và thề sẽ sát cánh với những người biểu tình.

Các nhà lập pháp dân sự, hầu hết đang ở ẩn sau khi bị lật đổ, đã công bố kế hoạch thành lập một "chính phủ đoàn kết dân tộc" với các nhà lãnh đạo dân tộc đóng vai trò chủ chốt và đang tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến về cuộc kháng chiến chung chống lại chính quyền quân sự.

Cuối tháng 3.2021, trong các cuộc đụng độ với quân đội Myanmar, nhóm nổi dậy Quân đội độc lập Kachin (KIA) giết ít nhất 20 binh sĩ và phá hủy 4 xe tải quân sự. Quân đội độc lập Kachin (KIA) là một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất Myanmar.

Trước đó, máy bay quân sự Myanmar đã ném bom vào các vị trí của một nhóm khác là Liên minh Quốc gia Karen (KNU) lần đầu tiên sau hơn 20 năm và hàng ngàn dân làng đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó nhiều người chạy sang Thái Lan.

Hành động này diễn ra sau khi phe Liên minh Quốc gia Karen thông báo đã tràn qua một đồn quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan, giết chết 10 người.

Ông David Eubank của Free Burma Rangers, tổ chức nhân đạo đã nhiều năm cung cấp hỗ trợ y tế cho dân làng Karen, cho biết khu vực nơi Liên minh Quốc gia Karen nắm giữ đã bị quân đội Myanmar tấn công từ ngày 27.3 đến nay.

Hôm 6.4, ông David Eubank cho biết quân đội Myanmar đang tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ Karen, xua đuổi dân làng khỏi nhà của họ và tăng số lượng người phải di dời trong khu vực lên hơn 20.000 người. Nhiều người trong số họ phải ẩn náu trong hang động hoặc rừng rậm và đang rất cần thực phẩm cùng các nhu cầu thiết yếu khác.

Tòa án quân sự ở Myanmar vừa tuyên án tử hình 19 người vì giết một quân nhân và làm bị thương một người khác, truyền hình nhà nước đưa tin tối 9.4. Đây là lần đầu tiên chính quyền quân sự sử dụng án tử hình kể từ khi tuyên bố thiết quân luật vào tháng trước.

Các bị cáo bị cáo buộc đã tấn công hai nhân viên và những người khác bằng dao, gậy ở thị trấn Bắc Okkalapa của Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar trong Ngày Lực lượng Vũ trang (27.3). Họ được cho là đã lấy một chiếc xe máy và một khẩu súng từ những người bị tấn công.

Bản án đã được đưa ra hôm 8.4, theo truyền thông nhà nước Myanmar. Trong số 19 người tuyên án tử hình, 17 người vẫn đang lẫn trốn và nằm trong danh sách truy nã.

Tại các khu vực của Yangon được thiết quân luật, bao gồm cả thị trấn Bắc Okkalapa, những tội ác nghiêm trọng được đưa ra trước tòa án quân sự. Kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn không phải là một lựa chọn, nhưng Tổng tư lệnh - Thượng tướng Min Aung Hlaing có thể giảm nhẹ hoặc đảo ngược bản án tử hình, và chỉ huy khu vực có thể làm như vậy với mức án thấp hơn.

Trước cuộc đảo chính, Myanmar đã áp dụng án tử hình nhưng đã không thực hiện vụ hành quyết nào trong suốt 3 thập kỷ.

27.3 là một trong những ngày đẫm máu nhất của cuộc đàn áp người biểu tình với 114 người thiệt mạng. Tổng cộng 618 người đã bị lực lượng an ninh giết chết tính đến 9.4 kể từ cuộc đảo chính, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Tối 9.4, cặp vợ chồng diễn viên nổi tiếng Myanmar, Pyay Ti Oo và Eaindra Kyaw Zin, bị bắt tại nhà riêng với cáo buộc ủng hộ phong trào bất tuân dân sự chống lại chính quyền, State Media MRTV thông báo.

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi quân đội tuần trước bắt đầu công bố danh sách cả trăm người nổi tiếng bị truy nã gắt gao nhất. Đó là những nhân vật đã tuyên bố ủng hộ những người biểu tình trên mạng xã hội.

Trước đó, Paing Takhon (nam người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng Myanmar và Thái Lan) và Zarganar (diễn viên hài nổi tiếng nhất Myanmar) đã bị quân đội bắt giữ.

Ngày 7.4, truyền thông nhà nước công bố danh sách bổ sung những ca sĩ, diễn viên, người mẫu, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội bị buộc tội "tung tin làm ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước”. Đây là lần công bố danh sách thứ năm (tổng cộng 100 người), bắt đầu vào ngày 2.4. Mỗi danh sách có tên 20 người, hiển thị tài khoản Facebook và ảnh hồ sơ của họ, cho thấy quân đội muốn kiềm chế bất đồng chính kiến ​​được công bố trên mạng xã hội. Trong số này có Hoa hậu Hòa bình Myanmar - Han Lay. Họ hiện phải đối mặt với án tù 3 năm.

Nhân Hoàng