Thực hư việc doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát sông Tiền với giá cao gấp 390 lần
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:00, 11/04/2021
Tiền nhiều để... mua cát
Mỏ cát ở sông Hậu và sông Tiền của tỉnh An Giang được đánh giá là lớn nhất miền Tây. Chính vì thế, lượng cát ở tỉnh An Giang không chỉ phục vụ cho các công trình trong tỉnh mà còn được bán cho nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL. Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc một doanh nghiệp tại TP.HCM vừa trúng đấu giá mỏ cát sông Tiền với giá cao hơn gần 390 lần so với mức khởi điểm.
Cụ thể, ngày 29.3.2021, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang ký thông báo số 828/TB-STNMT thông báo kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sông trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) theo thông báo đấu giá tài sản số 08/TB.ĐGTS ngày 22.1.2021 của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME (số 14 đường số 11, khu dân cư ven sông, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM).
Loại cát công ty này trúng đấu giá là cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường. Giá trúng đấu giá ước tính theo khối lượng mời đấu giá 2.372.500 m3, được tạm tính là hơn 2.811 tỉ đồng và số tiền công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME phải nộp năm đầu tiên là hơn 140 tỉ đồng. Trong 4 năm tiếp doanh nghiệp nộp hơn 667 tỉ đồng/năm. Theo thông báo, mỏ cát này có giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng. Kết thúc phiên đấu giá, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME trúng đấu giá với mức giá hơn 2.811 tỉ đồng, cao hơn 390 lần so với giá khởi điểm.
Cũng theo thông báo của Sở TN-MT tỉnh An Giang, mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, H.Châu Phú và xã Phú Hiệp, H.Phú Tân, tỉnh An Giang) có giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng, được Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) trúng đấu giá với mức giá gần 273 tỉ đồng, cao hơn 62 lần so với giá khởi điểm. Theo phụ lục, năm đầu tiên doanh nghiệp này phải nộp số tiền là 50 tỉ đồng, 3 năm sau số tiền là hơn 74 tỉ đồng/năm.
Chuyện gì cũng có thể?
Sáng 11.4, ông Huỳnh Văn Thái - Trưởng phòng Khoáng sản, Nước và Biến đổi khí hậu (Sở TN-MT tỉnh An Giang) cho biết, hiện tại sở đã trình UBND tỉnh hồ sơ của đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME.
“Trước khi nhận giấy phép khai thác mỏ cát này, doanh nghiệp phải đóng 145 tỉ đồng. Bốn năm tiếp theo, mỗi năm họ phải đóng 543 tỉ đồng để đủ 2.811 tỉ đồng sau 5 lần nộp tiền. Có nghĩa là hiện giờ đấu bằng hệ số tương đương với số tiền. Chứ doanh nghiệp này còn thăm dò, khi đã thăm dò thì họ sẽ tính trữ lượng chính xác là bao nhiêu thì bắt đầu xin cấp giấy phép lúc đó số tiền mới chính xác”, ông Thái nói.
Ông Thái cho biết thêm, việc doanh nghiệp trúng đấu giá số tiền lớn không có gì bất thường. "Ví dụ người ta mua chiếc xe Dream cũ với giá vài trăm triệu đồng thì mọi người thấy bất thường không? Cái chuyện người ta mua thì mình là đại diện của nhà nước quy định bán đấu giá thì bán càng cao càng tốt, chuyện bất thường hay không bất thường thì do doanh nghiệp người ta quyết định.
Doanh nghiệp bỏ tiền dằn chân để trúng đấu giá nhưng sau khi họ trúng đấu giá thì chuyển qua đặt tiền cọc. Nếu họ không mua thì họ sẽ bỏ cọc thôi. Riêng chuyện tài nguyên không biết được đâu, mình định giá theo hiện tại, chứ nhiều khi 2-3 năm nữa không chừng giá cát lên rồi sao. Doanh nghiệp này kinh doanh lớn nhiều khi họ có tầm nhìn rồi thấy tiềm năng nên đấu giá số tiền lớn thôi”, ông Thái nhận định.
Khi PV Một Thế Giới đặt vấn đề khả năng cát bồi lắng trong vài năm nữa thì trữ lượng lại tăng, tiền cát thu về sẽ rất cao, ông Thái nói: “Khi doanh nghiệp bắt đầu khai thác thì sở đã có tính toán trữ lượng rồi, khi họ lấy lên và chở đi thì phải xuất hóa đơn, thì hóa đơn đó sẽ chứng minh khối lượng cát của họ đem đi. Ngoài ra, hàng năm sở đều đo vẽ địa hình, công suất các xáng cạp đều ghi nhận, giám sát hành trình bằng công nghệ thông tin thì trữ lượng đâu ra đó. Riêng việc bỏ trúng đấu giá hay không bỏ thì không lường trước được chuyện này”, ông Thái nhận định.
Lãi hay lỗ?
Một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh An Giang đã trả lời với báo chí rằng việc doanh nghiệp chấp nhận chi gần 273 tỉ đồng để trúng đấu giá cũng là số tiền lớn. Nếu doanh nghiệp bỏ thầu sẽ mất 1,4 tỉ đồng tiền ký quỹ. “Số năm khai thác cát được giới hạn, không cho kéo dài. Mỗi năm khai thác ít nhất 200.000 m3. Vì vậy, mỏ cát 2,4 triệu m3 được khai thác 12 năm sẽ xong nhưng doanh nghiệp phải đóng đủ tiền 2.811 tỉ đồng trong 5 năm đầu”, vị này nói.
Một doanh nghiệp khai thác, kinh doanh cát sông tại tỉnh An Giang cho biết, giá cát sông dùng trong san lấp tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện tại dao động từ 60.000 – 85.000 đồng/m3. Nhưng chi phí khai thác và thuế đã chiếm trên khoảng 40% giá thành bán ra.
“Nếu nhẩm tính thì với 1,3 triệu khối cát thì không tài nào khai thác và kinh doanh để đạt được số tiền hơn 2.811 tỉ đồng. Nếu trúng đấu giá ở mức hơn trăm tỉ thì cố gắng lắm mới có lãi. Còn bỏ ra số tiền lớn như vậy lỗ hay lãi là do phía doanh nghiệp đó họ tính toán”, người này nói.
Về vấn đề mỏ cát 2,4 triệu m3 có giá hơn 2.811 tỉ đồng, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trả lời với Một Thế Giới như sau: “UBND tỉnh An Giang đang chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh mời doanh nghiệp này đến để có những thương thảo, thỏa thuận một số những điều kiện rồi mới ra quyết định trúng thầu. Nếu như không thỏa mãn những điều kiện ràng buộc thì không. Còn để tránh việc đấu thầu ảo, khi làm việc cụ thể rõ ràng với doanh nghiệp này thế nào, ủy ban sẽ thông tin cho báo chí sau”, ông Bình nói.