Hoa hậu H’Hen Niê thành đại sứ chương trình 'Điều ước cho em'
Giáo dục - Ngày đăng : 20:04, 11/04/2021
Với xuất thân là người dân tộc thiểu số tại một buôn làng khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê là tấm gương điển hình cho sự nỗ lực của bản thân.
Chương trình “Điều ước cho em” giới thiệu, lan tỏa và kêu gọi tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển giáo dục tại các địa bàn vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố. Nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất là 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%; mầm non hơn 70% và THPT cao nhất là hơn 80%.
Trong giai đoạn đầu của chương trình sẽ tập trung hỗ trợ 6 nhóm “điều ước”. Đó là hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh; thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh…
Với rất nhiều điểm dừng chân tại những nơi khó đến của 16 tỉnh trên cả nước (Bắc Kạn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Điện Biên, Hà Giang...), nhiều công trình “trường đẹp cho em”, “nhà bán trú cho em”, “nhà hạnh phúc cho học sinh mồ côi”, hàng vạn bữa ăn dinh dưỡng, những suất học bổng, phần quà quý báu, có ý nghĩa và giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần đã được trao tới tay học sinh và thầy cô giáo trong suốt 5 tháng kể từ 11.2020 đến nay.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, cùng với nguồn lực của Nhà nước, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân sẽ từng bước cải thiện được dinh dưỡng bữa ăn và môi trường học tập của học sinh, các thầy cô giáo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này sẽ góp phần thực hiện một điều ước lớn, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường.
Hiện đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn); gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các “điều ước”.