TP.HCM chọn 3 đầu sách tiếng Anh lớp 2 và 6, học sinh nên mua mấy bộ?

Giáo dục - Ngày đăng : 09:34, 12/04/2021

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, với những bộ môn được phê duyệt từ 2 đầu sách trở lên, học sinh có thể đọc thêm SGK từ các bộ khác nhưng chỉ cần mua một quyển.

Như đã đưa tin, ngày 7.4 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6. Hầu hết SGK được TP.HCM duyệt cho các học sinh là sách của NXB Giáo dục.

Riêng môn tiếng Anh lớp 2 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Family and Friends - National Edition (NXB Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart Start (NXB Đại học Sư phạm TP.HCM) và Phonics-Smart (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM). Tương tự, môn tiếng Anh khối lớp 6 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Friends Plus (NXB Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart World (NXB Đại học Sư phạm TP.HCM) và Right-on (NXB Đại học Sư phạm TP.HCM). Ngoài ra, Giáo dục công dân lớp 6 cũng có 2 đầu sách của NXB Giáo dục Việt Nam.

Việc này khiến nhiều phụ huynh TP.HCM có chung thắc mắc rằng con em mình sẽ học môn tiếng Anh theo đầu sách nào, cần mua một đầu sách hay mấy đầu sách. Trước những thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã có giải thích cặn kẽ.

Ông Hiếu khẳng định, với những bộ môn được phê duyệt từ 2 đầu sách trở lên thì mỗi học sinh chỉ phải mua 1 đầu sách/môn học, không mua nhiều hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi và việc học của học sinh. Học sinh có thể đọc thêm SGK, tuy nhiên quy định học thì mỗi học sinh chỉ mua một quyển. Giáo viên thì được quyền tham khảo các quyển sách khác nhau để xây dựng kế hoạch bài học phù hợp với đối tượng học sinh. Tuy nhiên, khi giáo viên hướng dẫn học sinh học và làm bài tập thì chỉ được chọn 1 SGK đã được thông qua.

Về nguyên tắc chọn sách, ông Hiếu cho biết theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, quyền lựa chọn SGK, được giao cho hiệu trưởng dựa trên cơ sở ý kiến đề xuất của hội đồng bộ môn, tổ trưởng chuyên môn trong bộ môn đó của trường.
Nguyên tắc lựa chọn các SGK có từ 2 cuốn trở lên, đặc biệt là SGK tiếng Anh, cần căn cứ vào sự phù hợp của giáo viên, phù hợp với điều kiện giảng dạy của giáo viên, điều kiện học hành của lớp, căn cứ vào yếu tố vùng miền (ngoại thành, nội thành), đặc biệt là phải phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh, mang tính kế thừa quá trình học tiếng Anh của học sinh ở các cấp học dưới.

“Để chọn được quyển SGK phù hợp với năng lực học sinh, đối với học sinh lớp 6 nhà trường cần căn cứ vào kết quả học tập lớp 5 của các em, trong đó đặc biệt căn cứ vào chương trình các em đã học ở lớp 5, năng lực các em đã đạt được để bố trí lớp cho phù hợp”, ông Hiếu nói, đồng thời cho biết ngay trong tuần này Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để các trường quyết định lựa chọn quyển sách của các môn học có từ 2 quyển trở lên, đảm bảo trong tháng 4, các trường phải có quyết định lựa chọn được cuốn sách nào sử dụng trong trường ở các môn học, từ đó đảm bảo việc tập huấn SGK mới được triển khai đúng tiến độ.

Ông Hiếu cũng chia sẻ rằng SGK chỉ là tài liệu tham khảo, vì vậy, ngay cả khi UBND TP đã phê duyệt bộ sách sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông thì thầy cô cũng không nên cứng nhắc, dập khuôn phụ thuộc vào sách mà cần phải nghiên cứu linh hoạt, làm sao phù hợp nhất với đối tượng học sinh.

Trong quá trình dạy học, giáo viên vẫn là người quyết định lựa chọn ngữ liệu giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh mình. Do đó, thầy cô có quyền điều chỉnh, thay đổi những ngữ liệu nếu cảm thấy ngữ liệu đó không thực sự phù hợp với học sinh.

Tú Viên